Chú trọng xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc
Tôm Việt trước “cửa hẹp” vào Hoa Kỳ | |
10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất tính đến 31/7 | |
Bất ngờ xuất siêu 260 triệu USD trong tháng 7 |
Chiếm 75% tổng giá trị rau, quả xuất khẩu
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, hiện nay trên địa bàn cả nước diện tích trồng rau, quả của nước ta khoảng 1.600.000 ha. Trong đó, khoảng 854.000 ha rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn; hơn 700.000 ha cây ăn quả, cho sản lượng 7 triệu tấn/năm.
Các mặt hàng rau, quả Việt Nam đã xuất khẩu (XK) đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch XK năm 2016 đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015 và dự kiến năm 2017 đạt kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 43%. Trong đó, Trung Quốc là thị trường XK chính của Việt Nam, chiếm 75% tổng giá trị rau, quả XK.
Cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển thương mại biên giới Việt – Trung |
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện các mặt hàng rau quả của Việt Nam đã XK đến hơn 60 quốc gia, những mặt hàng chủ lực gồm các loại quả nhiệt đới như thanh long, dứa, xoài… đối với trái cây tươi, trong đó thanh long được ưa chuộng và XK nhiều nhất. Kim ngạch XK rau quả của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng mạnh. Trong đó năm 2016 đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm đạt trên 2 tỷ USD. Dự kiến kết thúc 2017 đạt 3,4 – 3,6 tỷ USD.
Các thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất đối với rau quả của Việt Nam kể cả về kim ngạch cũng như khối lượng XK. Cụ thể, 7 tháng đầu năm cả nước đã xuất sang Trung Quốc đạt 1,2 triệu tấn, với kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD trong đó chủ yếu là quả tươi. Hàng năm, Việt Nam XK sang Trung Quốc hơn 100 mặt hàng nông sản. Các loại nông sản chủ yếu là rau, quả tươi, hạt điều, sắn lát, tinh bột sắn…
Bà Hoàng Đàm Mai - Phó Thị trưởng Chính phủ nhân dân thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) chia sẻ, thành phố Sùng Tả giáp với tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam), khí hậu tương đồng, phong tục tương thông, lãnh đạo cao cấp hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, cùng tham dự các sự kiện đã thành thường lệ, sự hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp ngày càng chặt chẽ.
Những năm gần đây, hai nước Trung – Việt đã thiết lập mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện, Trung Quốc liên tiếp giữ vị trí đối tác mậu dịch lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới thành phố Sùng Tả đạt 1.866.000 tấn hàng hóa, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 6,89 tỷ Nhân dân tệ. Rau quả Việt Nam XK vào thị trường Trung Quốc đều có ưu thế rõ rệt như các lợi hoa quả là vải, xoài, thanh long... và được người tiêu dùng rất ưa chuộng; sự nổi tiếng của thương hiệu đang được nâng cao và mậu dịch hai bên Trung - Việt nói chung và hợp tác về lĩnh vực rau, quả nói riêng sẽ ngày càng tăng cường hơn nữa.
Không còn là thị trường dễ tính
Bên cạnh những mặt thuận về vị trí địa lý trong hoạt động giao thương, các chuyên gia và nhiều DN nhận định, hiện Trung Quốc đang ngày càng siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu.
Theo bà Nguyễn Thị Hà – Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 7 (Cục Bảo vệ thực vật) cho hay, từ đầu tháng 7 đến nay phía Trung Quốc đã áp dụng quản lý rủi ro theo hàng hóa. Cụ thể như: lạc, đỗ, ớt, khoai lang trước khi XK sang Trung Quốc đại diện DN phải lấy mẫu gửi cho kiểm dịch kiểm nghiệm phía Trung Quốc kiểm tra trước, nếu đáp ứng được yêu cầu mới cho hàng chuyển sang bãi phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thị trường này đang ngày càng nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, quy định khắt khe hơn đối với nông sản nhập khẩu. Thương mại nông sản với Trung Quốc bằng hình thức biên mậu chiếm tỷ trọng lớn nên có nhiều rủi ro. Trong khi đó, về phía Việt Nam lại thiếu nguồn kinh phí phục vụ công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường cho các loại quả tươi XK cũng như đón chuyên gia nước nhập khẩu sang kiểm tra theo quy định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, diễn đàn XK rau quả Việt Nam Trung Quốc với mục tiêu tạo điều kiện cho DN 2 nước nắm bắt thông tin, trao đổi kinh nghiệm với cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở kiến nghị của các DN 2 quốc gia. Cũng theo ông Trần Thanh Nam, các DN Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung chú ý đến các tiêu chuẩn về chất lượng rau quả, nhất là tiêu chuẩn về VietGAP và Globalgap. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi những yêu cầu về nhãn mác sản phẩm cụ thể để truy xuất nguồn gốc.
Tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc ngày càng được nâng cao, do đó các DN và các địa phương cần lưu ý đến quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt quy chuẩn XK với từng thị trường; chú trọng việc xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác; có kế hoạch tổ chức sản xuất, mùa vụ phù hợp; chủ động liên kết, hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về phía cơ quan nhà nước, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho XK nông sản của Việt Nam. Đồng thời kiến nghị nhà nước bố trí nguồn nhân lực tương xứng cho công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường và giữ vững thị trường cho nông sản XK của Việt Nam.
Trước hết là kinh phí bố trí để đón đoàn chuyên gia Trung Quốc sang kiểm tra vùng trồng, cơ sở sơ chế, xử lý để cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với các loại quả tươi của Việt Nam như: măng cụt, chanh, quả roi, na, chanh leo… Ngoài ra, cần có nghiên cứu chi tiết và dự báo chính xác về nhu cầu, xu hướng thị trường Trung Quốc để chủ động tổ chức XK nông sản.
Trong tương lai gần thì Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhập khẩu nông sản nói chung và rau, quả của Việt Nam nói riêng. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cùng với việc phát triển vùng trồng rau quả an toàn, cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển thương mại biên giới Việt - Trung, ưu tiên đối với mặt hàng nông sản có lợi thế của Việt Nam.