Tôm Việt trước “cửa hẹp” vào Hoa Kỳ
Ngành tôm chuyển mình toàn diện | |
Lệnh cấm nhập khẩu tôm: Việt Nam yêu cầu Úc xem xét lại |
Điều chỉnh lại thuế
Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thay đổi cách tính thuế, mức thuế với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Những năm trước, DOC lấy Bangladesh làm nước thay thế để tính mức thuế với Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm nay, một nhóm chủ tàu và nhà chế biến Hoa Kỳ đã khiếu kiện lên Chính phủ liên bang, đề nghị không lấy Bangladesh vì nước này lạm dụng lao động. Uỷ ban đặc biệt về Hành động thương mại Tôm đã khởi kiện và tòa đã ra lệnh thẩm định lại quyết định của DOC.
Tôm Việt khó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ bởi thuế chống bán phá giá lên tới 40% |
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, sau khi xem xét lại, DOC đã chọn cách đánh giá tôm Việt Nam dựa trên số liệu từ Ấn Độ và lưu ý rằng, nước đông dân thứ hai trên thế giới này không bị ghi nhận về tình trạng lạm dụng lao động trong ngành tôm như Bangladesh.
Quyết định này có nghĩa là các nhà nhập khẩu được lựa chọn phải chịu mức thuế chống bán giá tôm nhập khẩu cao hơn trong khoảng thời gian 12 tháng bắt đầu từ tháng 2/2013 (đợt rà soát hành chính lần thứ 9). Mức thuế đã tăng từ 1,16% lên 1,42% do toà yêu cầu xác định lại mức thuế, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.
Theo đó, các công ty nhập khẩu sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ phải nộp tiền đặt cọc, từ đó Chính phủ trừ tiền thuế. DOC tiến hành các cuộc rà soát hành chính như trên theo định kỳ để cập nhật và tính toán lại các mức thuế. Cuộc rà soát tiếp theo dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tới.
Ông Nathan Rickard - Luật sư đại diện cho Uỷ ban đặc biệt về Hành động thương mại Tôm cho biết, uỷ ban này sẽ thúc giục DOC từ chối chọn Bangladesh làm nước so sánh đối với các đợt rà soát trong tương lai.
Cạnh tranh ngày càng khó
Trước việc tăng thuế lần này của Hoa Kỳ, theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc áp thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhằm bảo hộ ngành thủy sản trong nước của DOC là bất hợp lý, không công bằng. VASEP tiếp tục phản đối quyết định áp thuế chống bán phá giá.
Dước góc độ DN xuất khẩu, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước chia sẻ, việc DN xuất khẩu phản đối là dĩ nhiên vì đây là rào cản thương mại. Bản thân thuế chống bán phá giá là DN xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, theo ông Lĩnh, hiện nay tôm Việt xuất khẩu vào Hoa Kỳ đang phải chịu thuế chống bán phá giá lên tới 40%, nên DN rất khó xuất khẩu. Hoa Kỳ đánh thuế quá cao, ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm, dẫn tới người mua bên Hoa Kỳ không “mặn mà” với tôm Việt Nam.
Riêng Hoa Kỳ, gần 13 năm nay luôn áp dụng thuế chống bán phá giá với DN xuất khẩu Việt Nam. “Đây là rào cản thực sự với Việt Nam, không chỉ thế, mặc dù biện pháp kinh tế kỹ thuật của họ đã có rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn áp dụng kiểm tra tăng cường”, ông Lĩnh chia sẻ.
Đặc biệt, Hoa Kỳ yêu cầu khai báo hải quan, chống khủng bố trước khi vào nước họ. Điều này dẫn đến DN Việt phải có đại diện là một công ty Hoa Kỳ. Ngay cả nếu muốn kiện chống bán giá cũng vậy, các DN Việt phải thuê dịch vụ ở Hoa Kỳ. Việc này rất tốn kém, khiến chi phí sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam bị “đội lên” rất nhiều khi xuất khẩu vào thị trường này.
Ở một diễn biến khác, các DN cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã chuyển hướng từ Hoa Kỳ sang những thị trường khác có nhu cầu cao và chi phí xuất khẩu thấp hơn như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Hiện các đối thủ chính của tôm Việt ở thị trường Hoa Kỳ là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan không chịu mức thuế chống bán giá cao như Việt Nam, đồng thời giá thành sản xuất tôm của những nước này cũng thấp hơn Việt Nam rất nhiều nên các DN Việt khó có thể cạnh tranh về giá bán.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt giá trị 1,56 tỷ USD, tăng gần 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng ước đạt 962 triệu USD, tăng trên 21%, xuất khẩu tôm sú đạt 414 triệu USD, giảm 6,8%.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, trừ Hoa Kỳ và ASEAN. Chính vì vậy, vị trí của top 5 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Hoa Kỳ. EU ổn định ở vị trí thứ hai. Trung Quốc giữ vị trí thứ 3 và Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thứ 4.