Có chăng khách hàng bị lãng quên?
Hỏi vay ai cũng lắc
Vì có nhu cầu vay 200 triệu đồng để mua xe máy phân khối lớn, anh T.H (quận 3, TP.HCM) dạo quanh các TCTD để tìm kiếm thông tin vay. Sau nhiều ngày tìm hiểu, hỏi han và được nghe tư vấn, anh T.H phát hiện ra mình không thuộc diện khách mà các TCTD săn đón, cho dù lương công chức của anh không thấp.
Hỏi ra mới biết, anh T.H lương gần 20 triệu/tháng tại một đơn vị hành chính sự nghiệp có thu. Công việc ổn định, cùng với thu nhập trung bình khá, anh T.H muốn mua một chiếc xe phân khối lớn có giá 250 triệu đồng bằng hình thức vay tiêu dùng trả góp thế chấp bằng chính chiếc xe.
Các TCTD chưa phục vụ được hết đối tượng khách hàng tiềm năng |
Nghĩ là làm, anh T.H bắt đầu lân la hỏi hai NH đang có các sản phẩm vay tiêu dùng cá nhân hấp dẫn, đó là VIB và Eximbank. Thế nhưng, ngay khi tiếp cận anh T.H đã bị từ chối với lý do NH không cho vay mua xe máy. Nói như anh T.H, nhân viên tư vấn của 2 NH trên khuyên anh T.H nên vay theo hình thức thế chấp tài sản khác là BĐS hay sổ tiết kiệm, mục đích vay lúc này là mua xe hoặc xây sửa nhà…
“Nhẩm tính vì vay tiêu dùng, phục vụ mục đích cá nhân mà phải mang sổ đỏ ra thế chấp thì không đành lòng, vậy nên anh T.H từ bỏ ý định tìm kiếm nguồn vốn tại NH”, anh T.H trình bày.
Chấp nhận lãi suất cao, anh T.H tiếp tục tìm đến CTTC vì nghĩ rằng ở đây sẽ “dễ vay, dễ mua”. Nhưng trái với suy nghĩ ban đầu, anh nhận được câu trả lời khá thất vọng của nhân viên CTTC HD Saison. Đại ý là khoản vay của anh quá lớn, vượt tầm kiểm soát của công ty nên công ty không thể giải ngân cho anh vay vốn.
Vẫn chưa từ bỏ ý định, anh T.H quyết định tìm kiếm vận may lần nữa khi đọc được thông tin ABBank cung cấp gói 2.500 tỷ đồng với mức lãi suất hợp lý cùng các phương án trả lãi linh hoạt phục vụ các mục đích vay vốn, trong đó có vay tiêu dùng thế chấp.
Theo quảng cáo của NH, với khoản vay có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, khách hàng có thể lựa chọn các hình thức vay vốn phù hợp cùng phương án lãi suất linh hoạt từ 7,49%/năm hoặc lãi suất cố định 9,5%/năm trong suốt thời gian vay. Vậy mà, khi đặt ra vấn đề vay thế chấp khoản vay mình cần, anh T.H cũng chỉ nhận được câu trả lời: để bên em xem xét rồi trả lời anh sau.
Có thể, sau quá trình tìm hiểu, anh T.H chán hẳn và nhận ra rằng các TCTD quảng cáo nghe thích thật, song thực tế, có một bộ phận không nhỏ như anh nằm ngoài tầm “chăm sóc” của họ. Thế nên, anh T.H bất mãn quy kết: “Cơ hội nhiều nhưng không tận dụng được cũng bằng 0. Rõ mất thời gian”
Lọt sàng, không xuống nia
Thực tế, khi kiểm tra lại thông tin của anh T.H tại một số TCTD, đúng thực là những trường hợp có nhu cầu tín dụng tương tự hiện khá bế tắc. Trong khi quảng cáo của các NH trong việc cho vay tiêu dùng đến thời điểm này vẫn hấp dẫn vô cùng.
Đơn cử, SeABank triển khai chương trình ưu đãi vay mua xe và tiêu dùng với lãi suất tối thiểu chỉ từ 1%/năm dành cho các khách hàng cá nhân trên toàn quốc. Khách hàng còn được quyền lựa chọn mức lãi suất vay ưu đãi phù hợp với khả năng tài chính của mình. Theo đó, căn cứ vào thời gian dự kiến của khoản vay, NH cho biết người vay có thể tùy chọn lãi suất ưu đãi mình mong muốn từ 1%/năm, 2%/năm 3%/năm, cho tới 9,9%/năm.
Hay như ABBank, chương trình “Vững lãi suất – Chắc kinh doanh” dành cho các khoản vay có kỳ hạn dưới 12 tháng với mức lãi suất hấp dẫn 9,5%/ năm cố định trong suốt thời gian vay, về lý thuyết điều này sẽ giúp khách hàng chủ động cân đối nguồn tài chính và an tâm hơn cho những kế hoạch tài chính khác của cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, để có thể vận dụng lý thuyết vào thực tế còn cả một đoạn đường dài.
Khi được hỏi, ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison thừa nhận, trong hoạt động tín dụng, vẫn còn một số đối tượng khách hàng nhu cầu bị treo lơ lửng. Ở trường hợp của anh T.H là một ví dụ, nhóm đối tượng này chiếm tỷ lệ ít trong cơ cấu tín dụng nhưng thực tế vẫn tồn tại. Bản thân CTTC cũng muốn phát triển rộng hơn để phục vụ nhóm khách hàng này, song theo ông Thái, câu chuyện này không thể thực hiện một sớm một chiều.
Ngược lại, nhóm đối tượng NH hướng tới phục vụ thường cao hơn, chủ yếu là sản xuất kinh doanh. Còn những khoản vay nhỏ lẻ thông thường sẽ được NH khuyến khích vay qua thẻ. Có điều, để có được hạn mức ngoài 100 triệu thì thu nhập của người đó rất “khủng”. Điều này lý giải vì sao có một bộ phận không nhỏ đang đứng giữa làn ranh giới chưa biết đi đâu, về đâu.
Quả vậy, giả sử NH là vòng tròn số 1, CTTC được ví như vòng tròn số 2 thì những đối tượng có nhu cầu vay tài chính tiêu dùng ở khoảng giữa số 1 và 2 không được đáp ứng.
Về phía NH, đơn vị này đang tập trung mạnh vào những khoản vay tiêu dùng nhưng theo đúng mục đích họ đưa ra là sản phẩm có giá trị lớn như nhà, xe ô tô. Thế nên, đơn vị này cho rằng những nhu cầu mua sắm tiêu dùng cá nhân hơi xa xỉ là đối tượng thuộc nhóm CTTC phục vụ. Ngược lại, các CTTC cho rằng, xu hướng của họ là cho vay nhanh, gọn, lẹ với những khoản vay nhỏ, có liên kết với đơn vị bán hàng.
Theo đó, họ dù muốn mở rộng nhưng vẫn chưa đủ khả năng để bước thêm một bước nữa cho vay các món hàng giá trị vài trăm triệu đồng. Bởi, CTTC không có đủ nguồn nhân lực quản trị rủi ro, thẩm định tài sản chi tiết như NH. Chưa kể, các NH luôn có lợi thế trong việc lưu trữ dữ liệu, như việc thu thập dữ liệu của tất cả các khách hàng cũng như quản trị và duy trì cập nhật các dữ liệu này. Tính chính xác của dữ liệu cũng là một vấn đề được đặt ra cho các CTTC.
“Mức độ sẵn có của dữ liệu và yêu cầu đầu tư hệ thống công nghệ thông tin cũng được xem là một trong các yếu tố chính mà các CTTC cần xem xét khi triển khai. Do vậy, nhóm khách hàng nói trên sẽ thích hợp nhất khi là đối tượng được NH phục vụ, còn CTTC sẽ khó đáp ứng nhu cầu lúc này”, một lãnh đạo CTTC đánh giá.
Rõ ràng, hiện đang có một số nhóm đối tượng khách hàng bị “đá bóng” giữa các định chế tài chính. Thế nên, cho dù có nhu cầu thật, lịch sử tín dụng cũng tốt song không tiếp cận được nguồn vốn vay. Ngược lại, các tổ chức tài chính loay hoay tìm kiếm khách hàng để phục vụ nhưng lại để lọt mất một bộ phận nhỏ khách hàng tiềm năng…