Cơ hội đầu tư dịch vụ bổ trợ bảo hiểm
Mua bảo hiểm, có mua quyền năng? | |
Bảo hiểm ngày càng khó kinh doanh |
Ngổn ngang dịch vụ bổ trợ
Theo nhận định của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù nhu cầu sử dụng các dịch vụ bổ trợ bảo hiểm trên thị trường là khá lớn và tăng trưởng mạnh, nhưng khái niệm dịch vụ bổ trợ bảo hiểm vẫn còn mới mẻ và thị trường cho hoạt động dịch vụ này vẫn còn ở mức sơ khai.
Theo đó, mặc dù trong các cam kết với WTO, lĩnh vực dịch vụ bổ trợ bảo hiểm không bị hạn chế tiếp cận tại Việt Nam. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và các văn bản pháp lý hướng dẫn liên quan cũng đã công nhận loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, những quy định cụ thể đối với việc quản lý và phát triển các loại hình dịch vụ như: đánh giá rủi ro và thiệt hại, đại lý môi giới bảo hiểm, quản lý thủ tục thu hồi tài sản tổn thất và giải quyết bồi thường… đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa.
Nhu cầu chuẩn hóa việc cung cấp các dịch vụ bổ trợ bảo hiểm đang được cho là cần thiết và cấp bách đối với thực tiễn thị trường |
Thực tế, trên thị trường hiện đã có hàng loạt các DN trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ giám định tổn thất, nhưng gần như không có cơ quan giám định độc lập một cách chuyên biệt về bảo hiểm, mà chủ yếu là các công ty giám định chung, thực hiện giám định nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả bảo hiểm. Do chưa có những quy chuẩn chung, thống nhất về giám định thiệt hại và chưa có những DN hoạt động chuyên biệt cung cấp dịch vụ đánh giá rủi ro và thiệt hại trong lĩnh vực bảo hiểm nên số lượng khiếu kiện liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm luôn ở mức cao.
Thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) trong số gần 400 trường hợp khiếu kiện đơn vị này tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2018, có hơn 37% đến từ lĩnh vực bảo hiểm và tài chính - ngân hàng. Trong khi đó, theo phản ánh của IAV, vấn đề chất lượng của các báo cáo giám định thiệt hại của các đơn vị dịch vụ cũng không có sự thống nhất và không phải đơn vị nào cũng có sự công bằng và minh bạch. Thậm chí ngay cả tính pháp lý của các báo cáo giám định cũng đang còn tranh cãi khi các vụ khiếu kiện được xử lý tại tòa án.
Ở lĩnh vực đại lý, môi giới bảo hiểm tình hình cũng ngổn ngang không kém. Theo ông Trần Nguyên Đán - một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, các quy định của pháp luật hiện nay mới chỉ tập trung điều chỉnh mối quan hệ giữa DN bảo hiểm với khách hàng chứ chưa thực sự tập trung vào mối quan hệ giữa DN bảo hiểm với đại lý. Chính vì chưa có sự điều chỉnh nên các hợp đồng thuê, mở đại lý bảo hiểm của các hãng bảo hiểm cũng thiếu tính chặt chẽ và thống nhất. Nhiều đại lý bảo hiểm chạy theo hoa hồng đã thực hiện các hành vi gian dối, nhiều nhân viên bảo hiểm câu kết với đại lý, khách hàng để trục lợi. Khi xảy ra các sự cố dẫn đến khiếu kiện thì trách nhiệm đền bù bị dồn đẩy, kéo dài thời gian.
Gợi mở làn sóng hợp tác số hóa
Mặc dù thực trạng thị trường cung cấp các dịch vụ bổ trợ bảo hiểm còn khá nhiều bất cập như trình bày ở trên. Tuy nhiên, giới phân tích đầu tư vẫn cho rằng đây sẽ là lĩnh vực thu hút nhiều sự hợp tác đầu tư của giới công nghệ tài chính và cộng đồng khởi nghiệp trong thời gian tới, bởi khi các DN bảo hiểm “ăn nên làm ra” việc chi tiền tỷ để xây dựng các chiến lược số hóa sẽ trở nên phổ biến.
Ghi nhận cho thấy, nhận định này là khá sát thực, bởi từ giữa năm 2017 đến nay, ngay sau khi các hãng bảo hiểm lớn như: Manulife, Dai-ichi Life, Generali, AIA, Chubb Life… có kế hoạch tăng vốn để số hóa hệ thống, hàng loạt các đơn vị cung ứng dịch vụ bổ trợ đã xuất hiện và tạo dựng thương hiệu.
Theo đó, vào giữa năm ngoái, Công ty Tư vấn và Đào tạo Labo đã phối hợp với FWD ra mắt mảng môi giới tài chính bảo hiểm nhân thọ. Ngay sau sự xuất hiện của Labo, các hãng bảo hiểm lớn có mặt tại Việt Nam như: Aon, Gras Savoye Willis, Marsh… đã lập tức để mắt tới các kênh môi giới phân phối sản phẩm và các ứng dụng so sánh miễn phí các sản phẩm tài chính bảo hiểm như: GoBear, EasyCare, GenClaims… lần lượt được các hãng Manulife, Generali ứng dụng.
Các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, trong vòng một hai năm tới thị trường bảo hiểm sẽ có một làn sóng Insurance Technology (InsurTech). Làn sóng này sẽ làm thay đổi cách thức hoạt động truyền thống trong hàng trăm năm của ngành bảo hiểm. Trong đó, cơ hội để khởi nghiệp bằng các dự án dịch vụ bổ trợ bảo hiểm như các ứng dụng so sánh, tìm kiếm; dịch vụ xác định vị trí, đánh giá thiệt hại… sẽ là mảnh đất màu mỡ hấp dẫn các công ty công nghệ tài chính.
Quan sát sự phất lên của các dự án khởi nghiệp như GoBear Việt Nam cho thấy rằng chỉ trong vòng 1 năm qua, đơn vị này đã thu hút hơn 500 ngàn lượt so sánh các sản phẩm bảo hiểm tài chính cá nhân trên trang web. Trong khi đó, không chỉ nhanh chóng có được sự hợp tác của các DN bảo hiểm lớn như Manulife, ứng dụng EasyCare đã định vị được thị phần trong lĩnh vực tiếp thị dịch vụ y tế, giúp người sử dụng dễ dàng tìm kiếm và đặt lịch khám chữa bệnh. Tất cả những diễn biến này cho thấy, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ bổ trợ bảo hiểm rất nhiều khả năng sẽ tạo đà cho việc hình thành một làn sóng khởi nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ, kênh phân phối và những chuỗi giá trị mới kết nối ngành này với khách hàng.