Bảo hiểm ngày càng khó kinh doanh
Mua bảo hiểm trên ứng dụng MoMo được quà tặng | |
Bảo hiểm và bài toán thu hút đầu tư |
Theo chia sẻ của lãnh đạo một công ty bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của công ty ông sẽ “dễ thở” hơn khi tới đây cơ quan chức năng đồng ý sẽ tháo gỡ một số “nút thắt” trong quy định về trích lập dự phòng rủi ro và cách tính mức lãi suất liên quan đến trái phiếu Chính phủ.
Ông này cho biết, do quy định trích lập dự phòng rất thận trọng và nghiêm ngặt theo Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam, khiến công ty của ông đã phải trích lập thêm dự phòng rất lớn trong năm 2017.
Các DN bảo hiểm đang gặp nhiều khó khăn do trích lập dự phòng lớn |
Nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ khác cũng trong tình cảnh tương tự khi mà chi phí tăng đột biến do phải trích lập dự phòng khiến nhiều công ty bảo hiểm từ chỗ có lãi năm 2016 trở thành thua lỗ trong năm 2017.
Để ứng phó với khó khăn này, các DN bảo hiểm đang đẩy nhanh tiến độ rà soát cắt giảm chi phí, bao gồm chi phí cố định và chi phí phân phối sản phẩm. Song song đó, một số công ty bảo hiểm chọn giải pháp chuyển từ việc tập trung bán sản phẩm truyền thống sang bán sản phẩm liên kết chung, liên kết ngân hàng - bảo hiểm. Theo đó, loại bỏ dần các sản phẩm đầu tư trả lãi suất, triển khai những sản phẩm có mức cam kết lãi suất thấp hoặc không đảm bảo lãi suất...
Một số công ty bảo hiểm lại chọn hình thức xem xét lại việc định phí lại với lãi suất tính phí và dự phòng cùng với một loạt giải pháp khác như tăng vốn điều lệ để đảm bảo khả năng thanh toán và thúc đẩy quản trị rủi ro… Thế nhưng, dù có áp dụng phương pháp nào đi nữa thì trong tương lai gần, các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định.
Trong khi đó, chính sách lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang rất linh hoạt để thu hút người gửi tiền khiến các công ty bảo hiểm kinh doanh ngày càng khó khăn.
Một lãnh đạo của công ty bảo hiểm Hanwah Life thừa nhận, từ trước đến nay để cạnh tranh với kênh ngân hàng, các công ty bảo hiểm phải thiết kế gói bảo hiểm tặng kèm lãi suất tiền gửi. Tức là người mua bảo hiểm sẽ được nhận lại một phần lãi suất trên số tiền bỏ ra mua bảo hiểm, nhưng trong bối cảnh giảm chi phí, thì các công ty bảo hiểm phải cắt giảm khoản chi phí này. Điều này trở thành bất lợi trong cạnh tranh. Có một thực tế đang diễn ra là không ít khách hàng đã chấp nhận thua thiệt, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước hạn để tìm kiếm kênh khác gửi tiền lợi hơn.
Được biết, Bộ Tài chính đang xem xét và cơ bản đồng ý với các kiến nghị chỉnh sửa Thông tư 50 của các DN bảo hiểm. Nhưng các sửa đổi cụ thể sẽ có điều chỉnh nhất định so với các đề xuất của DN. Tuy nhiên, chừng nào Thông tư sửa đổi chưa được ban hành thì hoạt động của các DN bảo hiểm nhân thọ vẫn còn phải đối mặt với khó khăn.