Cơ hội nào cho ngành VLXD?
Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó cắt giảm đến 93% số dòng thuế về mức thuế suất 0% và 7%, trong đó bao gồm cả sản phẩm của ngành VLXD.
VLXD trong nước đang chịu sức ép lớn từ các thương hiệu ngoại |
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước có khoảng 75.998 DN hoạt động trong các lĩnh vực của ngành xây dựng (gồm xây dựng, sản xuất VLXD, tư vấn xây dựng và kinh doanh bất động sản...). Ba năm trở lại đây, các DN ngành xây dựng đã tập trung thực hiện tái cơ cấu, khắc phục khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều DN ngành VLXD trong nước đã đầu tư ào ạt, dàn trải khiến cung vượt cầu. Ngay tại thị trường nội, cũng diễn ra sự cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu tranh mua tranh bán và tồn tại song song với nhiều sản phẩm VLXD nội bị hàng ngoại chèn ép. Hầu hết các mặt hàng sản xuất trong nước (xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng…) từ ba năm qua luôn trong tình trạng cung vượt cầu, hàng tồn kho nhiều và cạnh tranh đuối sức với hàng ngoại nhập. Nguyên nhân của khó khăn này là do DN trong ngành đầu tư nóng và bổ sung quá nhiều dự án nằm ngoài quy hoạch.
Trong khi đó, tiềm lực thật sự của nhiều DN không cao, phụ thuộc lớn vào vốn vay của ngân hàng, nên thiếu đầu tư thỏa đáng (như nhập thiết bị hiện đại), chất lượng sản phẩm ở mức trung bình khá, giá thành cao, giảm sức cạnh tranh. Đặc biệt, khi Việt Nam mở cửa, nhiều nước có nguồn cung VLXD dư thừa như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam để giảm tồn kho, thì VLXD trong nước sẽ khó càng thêm khó.
Ông Lê Anh Ba – Phó chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng, khó khăn đã nhìn thấy được. Song năm 2015 cũng là năm có nhiều cơ hội khi thị trường xây dựng bắt đầu nhộn nhịp trở lại do nhiều yếu tố tác động như lãi suất ngân hàng giảm, cho vay bất động sản được nới lỏng, rất nhiều dự án xây dựng hạ tầng (cầu, đường giao thông nông thôn, cảng, nhà ở...) đang đẩy nhanh tiến độ, khiến nhu cầu về VLXD cũng tăng theo.
Quý I/2015, mặt hàng xi măng tiêu thụ nội địa hơn 13,85 triệu tấn, bằng 19,2% kế hoạch năm 2015. Lượng sắt thép xây dựng tiêu thụ đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 10,5% so với quý I/2014. Các loại VLXD khác như gạch, gạch không nung, sàn gỗ, sơn... đều có mức tiêu thụ tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2014. Một thuận lợi khác là công tác quản lý, phát triển VLXD đang được Bộ Xây dựng quy hoạch, bám sát nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu, theo hướng đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường xi măng.
Hiện nay, Bộ đã đưa 5 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinke/ngày ra khỏi quy hoạch, hoãn thực hiện 9 dự án đến giai đoạn sau 2015. Những chính sách mới và nhu cầu thị trường tăng đang tạo đà cho ngành VLXD lấy lại phong độ.
Trên thị trường tiêu thụ, hiện nay DN kinh doanh VLXD chọn hướng cân đối giữa tiêu thụ hàng nội địa và hàng nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng và tăng doanh số bán.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, phụ trách kinh doanh Cửa hàng VLXD và Trang trí nội thất Phước Thành (18 Tô Hiến Thành, Q.10, TP. Hồ Chí Minh), hiện nay ngoài những VLXD cơ bản (sắt, thép, xi măng...) rất nhiều chủng loại VLXD của Việt Nam có chất lượng cao như gạch, gỗ lát sàn, đồ sứ vệ sinh (dụng cụ nhà tắm, bồn tắm), kính xây dựng... được người tiêu dùng ở phân khúc từ trung bình trở lên chọn lựa.
Tuy nhiên, xu hướng chung của thị trường là sử dụng hàng nội có thương hiệu (Đồng Tâm, Thiên Thanh, Thạch Bàn, Vilacera...). Còn lại, những mặt hàng VLXD cao cấp như đá thiên nhiên, gạch trang trí, kính lấy sáng... đều là hàng nhập khẩu. Chính vì vậy mà hầu hết cửa hàng VLXD và trang trí nội thất hiện nay đều chọn kinh doanh song song hàng nội và hàng nhập khẩu.
Ghi nhận thực tế tại nhiều cửa hàng VLXD và trang trí nội thất khu vực đường Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt (Q.10, TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, việc mua bán VLXD đang rất tấp nập.
Ông Trần Ngọc Anh, chủ cửa hàng Anh Mỹ (272 Tô Hiến Thành) cho biết, từ tháng 3/2015, doanh số bán VLXD của cửa hàng tăng đáng kể, trung bình 40 triệu – 45 triệu đồng/ngày. Tỷ lệ bán hàng nội và hàng ngoại nhập là 50%. Tuy nhiên, cửa hàng vẫn thích bán hàng nội hơn, vì các DN sản xuất có chiết khấu cho cửa hàng cao, có dịch vụ hậu mãi thay cửa hàng (giao hàng tận nơi).
Hiện nay, hàng VLXD của Trung Quốc cũng rất đa dạng mẫu mã, màu sắc, giá bán rẻ hơn hàng Việt Nam nhưng không có độ bền khi sử dụng, do vậy, các cửa hàng chỉ bán số lượng ít, còn lại là hàng hiệu Việt Nam hoặc hàng nhập khẩu từ các nước châu Âu, Nhật Bản với giá bán khá cao.