“Cởi trói” cho quỹ ngoài ngân sách
Quỹ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp được gửi tiền tại các ngân hàng tốt | |
Quỹ Bảo hiểm xã hội như… hộp đen |
Dù theo đúng nguyên tắc là hoạt động độc lập với ngân sách Nhà nước (NSNN), song nhiều quỹ tài chính ngoài NSNN vẫn đang phải gánh vác đỡ nhiệm vụ cho ngân sách. Không những vậy, với tổ chức bộ máy chưa được tách biệt hoàn toàn với cơ quan quản lý Nhà nước, hoạt động của các quỹ này cũng đang phát sinh nhiều hệ lụy.
Những điểm hạn chế của quỹ đã được nhận diện tại hội thảo “Hoạt động của các quỹ tài chính ngoài NSNN”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 16/6.
Chi phí tăng, hiệu quả giảm
Theo Luật NSNN số 83/2015/QH13: “Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với NSNN; nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật”.
Thống kê của Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ KH&ĐT cho thấy, có trên 70 quỹ tài chính Nhà nước ngoài NSNN đã được thành lập ở Trung ương và địa phương với quy mô, tính chất và phạm vi hoạt động khá đa dạng. Trong đó, có nhiều quỹ được NSNN cấp vốn mồi hoặc được cấp bổ sung vốn điều lệ trong năm.
Bà Ngô Trần Anh Minh, Vụ Tài chính tiền tệ cho biết, mặc dù số lượng quỹ là khá lớn, song chỉ có một số quỹ ở Trung ương là có nguồn thu, nhiệm vụ chi lớn, còn lại chủ yếu là các quỹ có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp trong một số lĩnh vực hoặc một địa phương.
Các quỹ ngoài ngân sách cần đa dạng hoá khoản mục đầu tư |
Phân tích sâu hơn, ngay cả những quỹ có nguồn thu và nhiệm vụ chi lớn, hoạt động trong thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Điển hình là các quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Ông Đàm Văn Huệ, chuyên gia tư vấn dự án USAID phân tích, về tổng thể thì hoạt động của 3 quỹ này đều tăng trưởng qua các năm. Đây là dấu hiệu tích cực thể hiện diện bao phủ của 3 loại bảo hiểm này ngày càng rộng khắp, qua đó an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, việc quản lý và đầu tư của 3 quỹ bảo hiểm này lại cho thấy nhiều bất cập.
Ông Huệ dẫn chứng, giai đoạn 2013-2015, tỷ lệ % chi quản lý quỹ BHXH trên tổng số thu chi đã tăng từ mức 1,6% lên 2,2%, mức tăng bình quân trong giai đoạn này là 1,8%. Tương tự như vậy, số chi quản lý quỹ BHTN trên tổng số thu chi cũng tăng từ 1,3% lên 2,2%, với mức tăng trung bình là 1,6% trong cùng giai đoạn.
Chi đầu tư xây dựng cơ bản từ 2 quỹ bảo hiểm này cũng tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013-2015. Cụ thể, năm 2014 số chi đầu tư xây dựng cơ bản là 794 tỷ đồng, tăng tới 101,6% so với năm 2013. Tới năm 2015, con số này vọt lên 1.573,2 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 98,1% so với năm 2014.
Trong khi chi phí quản lý và đầu tư tăng lên, thì lợi tức từ đầu tư của 2 quỹ lại giảm xuống. Cụ thể, năm 2013 lãi suất đầu tư chung của quỹ là 7,66%, thì tới năm 2015 chỉ còn 7,19%. Hiện nay phần đầu tư lớn nhất của 2 quỹ này là cho NSNN vay với tỷ lệ lên tới 75% dư nợ đầu tư. Phần còn lại được rót vào trái phiếu Chính phủ, cho các NHTM Nhà nước vay, đầu tư vào dự án thuỷ điện Lai Châu. Các hình thức đầu tư khác chưa được triển khai.
Riêng quỹ BHYT từ năm 2010 đến nay luôn đảm bảo cân đối và có kết dư. Tuy nhiên tình trạng bội chi cục bộ vẫn diễn ra ở 14 tỉnh vào năm 2010 và 19 tỉnh vào năm 2013.
Cần cơ chế linh hoạt hơn
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, thực trạng hoạt động như trên của các quỹ tài chính ngoài NSNN của Việt Nam còn có nhiều hạn chế, song có thể khắc phục được.
Ông Carlos Galian, chuyên gia tư vấn quốc tế dự án USAID cho biết, Việt Nam chỉ cần so với Philippines, quốc gia có nền kinh tế phát triển khá tương đồng, là đủ để thấy đầu tư của các quỹ bảo hiểm trong nước đang gặp hạn chế như thế nào. Theo đó, cách đây hơn 10 năm, các quỹ bảo hiểm ở Philippines đã đầu tư vào việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu DN và đều cho lợi tức rất cao.
Hiện nay, trong danh mục đầu tư của các quỹ bảo hiểm ở quốc gia này hoàn toàn không có khoản mục cho NSNN vay, thay vào đó mua trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ lệ lớn nhất là 40%. Phần còn lại được dành để mua cổ phần (23%), cho chính các thành viên trong quỹ vay (19%), mua tín phiếu và trái phiếu DN (8%), gửi ngân hàng (6%) và các khoản đầu tư khác.
Chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, các chính sách quản lý của Việt Nam đã gây ra mâu thuẫn lợi ích của các quỹ bảo hiểm. Theo đó, Bộ Tài chính hiện nay là cơ quan quản lý các quỹ này và cơ quan này luôn dựa vào những đơn vị bảo hiểm trong trường hợp họ cần tiền cho ngân sách. Chính vì bị phụ thuộc như vậy, nên bản thân các quỹ bảo hiểm không thể đưa ra các quyết định đầu tư linh hoạt để có khả năng sinh lời cao nhất.
“Điều mà chúng tôi muốn đề cập tới ở đây là phải cho các quỹ có sự linh hoạt nhất định trong việc ra quyết định đầu tư của mình”, ông Carlos Galian đưa ra lời khuyên. Theo đó, thay vì “ôm chặt” lấy quỹ, các quy định phải thay đổi để các quỹ có thể đa dạng hoá các khoản mục đầu tư, ra quyết định đầu tư linh hoạt hơn và chính sách chỉ làm nhiệm vụ đặt ra giới hạn đầu tư trong từng hạng mục để đảm bảo an toàn cho quỹ.
Để làm được điều này, các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam cần sớm thay đổi bộ máy quản trị các quỹ bảo hiểm theo hướng có thêm các thành viên độc lập bên ngoài để tăng tính minh bạch. Uỷ ban quản trị này cần hoạt động giống như một cơ quan kiểm soát và hệ thống bảo hiểm phải có vai trò tương đối độc lập với Chính phủ.