Quỹ Bảo hiểm xã hội như… hộp đen
Vấn đề ông Huy đặt ra là đáng chú ý, trong bối cảnh Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi. Dự kiến luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới đây. Ths. Nguyễn Bích Ngọc (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) khái quát vấn đề, hiện nay BHXH bắt buộc có mức độ bao phủ chưa cao, mới có khoảng 70% số lao động diện bắt buộc tham gia. Trong khi đó, tình hình nợ tiền BHXH còn rất lớn, nhất là với khối DN ngoài Nhà nước (48,2%), DN có vốn đầu tư nước ngoài (32,4%), và DNNN (19,4%).
Quản lý và sử dụng quỹ BHXH vẫn còn nhiều hạn chế
Ảnh hưởng trước tiên chính là quyền lợi của người lao động. Tình trạng hàng nghìn DN chây ỳ, chậm nộp tiền BHXH khiến quyền lợi của người lao động một số nơi mất trắng. Mới đây, nguy cơ vỡ Quỹ Hưu trí khiến cơ quan quản lý phải tính đến phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Song, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận của phần đông người lao động.
Nhìn sâu hơn, việc cạn quỹ còn có phần nguyên nhân do hoạt động đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH thời gian qua có hiệu quả chưa cao. ThS. Phạm Thị Thanh Hồng, Phó trưởng ban Nữ công (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, lãi thu về chưa bảo tồn được giá trị của quỹ. Cụ thể, lãi suất đầu tư luôn ở dưới mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (giai đoạn 2008 - 2012 chỉ khoảng 10%/năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 13,4%/năm). Thêm nữa, tỷ lệ điều chỉnh lương hưu cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ lãi thu được từ đầu tư tăng trưởng quỹ.
Phân tích những nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém trong quản lý và sử dụng quỹ BHXH, nhiều ý kiến cho rằng, hình thức đầu tư của quỹ chưa thật đa dạng, đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư của cơ quan BHXH chưa chuyên nghiệp. Một số quan điểm cũng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là sự trốn tránh trách nhiệm của DN - người sử dụng lao động, gây ra thiếu hụt lớn của quỹ.
Nhưng ở góc độ chủ DN, bà Nguyễn Thị Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Đại Dương cho rằng, sự thiếu hợp tác của chủ DN có phần lỗi của cơ quan BHXH. Dẫn chứng từ chính trường hợp của DN mình, bà Xuyên cho biết, công ty bà có trụ sở tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), song bảo hiểm phải đóng tại cơ quan BHXH quận Hà Đông. Quy trình đóng bảo hiểm qua nhiều thủ tục, giấy tờ, mất nhiều thời gian, công sức nên DN phải thuê riêng cán bộ chuyên trách vấn đề này.
Bà Xuyên phàn nàn, dù là người đóng tiền vào Quỹ BHXH, song DN lại bị đối xử như người đi xin bởi chính các thủ tục gây khó dễ không đáng có. “Hiện nay, các thủ tục thuế, hải quan… đều được thực hiện qua mạng khá nhiều rồi. Chúng tôi không hiểu tại sao lại không thể cải tiến tương tự với việc đóng BHXH để DN được nhàn hơn”, bà Xuyên nêu bức xúc.
Về vấn đề này, ông Huy cho rằng, các quy định về BHXH hiện nay chưa nâng tầm người sử dụng lao động thành đối tác mà khiến họ như đối tượng được quản lý. Ông Huy dẫn chứng, hiện trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi chỉ quy định 3 điều về quyền của người sử dụng lao động, và cũng rất chung chung. Đó là: từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về BHXH; khiếu nại, tố cáo về BHXH; các quyền khác theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Huy đề xuất cần thiết kế 8 quyền cho giới sử dụng lao động, trong đó bổ sung quyền tham gia, quản lý quỹ BHXH; tiếp cận và công bố thông tin có liên quan; tham gia đầu tư quỹ để tạo lợi nhuận; tham vấn các vấn đề liên quan tới quy định hoạt động của quỹ…
Ông Phạm Chí Trung (Công ty Baker & McKenzie Việt Nam) góp ý, Luật BHXH ngày càng có nhiều cải tiến để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong khi người sử dụng lao động đang ít được quan tâm. Ông tính toán, trong năm 2014, người sử dụng lao động có thể phải nộp thêm 2% tổng quỹ lương vào quỹ bảo hiểm bắt buộc, theo quy định của Luật BHXH. Trong bối cảnh người sử dụng lao động ngày càng phải chi trả nhiều hơn cho quỹ này, họ hoàn toàn có quyền được tham gia cùng cơ quan BHXH quản lý quỹ, đảm bảo quỹ được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích.
Ngọc Khanh