Cơm quê mùa lũ
Ảnh minh họa |
Nước lũ làm chia cắt mọi thứ. Trẻ con nhiều khi vì lẽ đó mà sướng rơn lên vì cứ thế mà nghỉ học, vì được bì bõm trên những bè chuối len lỏi từ nương nhà này đến nhà khác. Ngoài nỗi lo chạy lũ, người lớn còn chạy vạy từng bữa cơm sao cho ấm bụng cả gia đình. Cơm quê mùa lũ vì thế để lại nhiều dấu ấn đậm sâu hơn với những ai đi ra từ khúc ruột miền Trung chang chang nắng gió và đầy ắp bão lụt.
Lũ chồng lũ làm dân quê “ngán” nhất, lũ dường như làm kiệt quệ mọi sinh linh. Những làng mạc đục ngầu một màu nước. Những mái nhà lụt còn mỗi cái nóc, “bữa cơm” khi ấy nếu có đi nữa chỉ là những gói mì gói lạnh ngắt, vừa ăn vừa run rẩy. Ấy thế mà người miền Trung chưa bao giờ phải nao núng vì những “bữa cơm” ăn liền như thế trong mùa mưa lũ.
Khi nước bắt đầu rút, củi đã ráo, hàng xóm đã nghe tiếng ới của nhau cũng là lúc bếp lửa trên gác từng nhà bắt đầu được nhen nhóm. Ở quê dẫu khó khăn đến mấy thì ngôi nhà sẽ phải có cái gác để trú lũ. Gác là những tấm dầm gỗ dày bản, dài đoạn gác dọc và ghép kín lại với nhau trên trần nhà. Để lửa bếp không làm gác nhà cháy sém, người quê hay lót một tấm sắt dày phía dưới kiềng bếp rồi trong lúc đun nấu cũng phải cẩn thận tránh than củi không vương vãi ra ngoài.
Lúc nước rút xuống nền nhà thì bếp lửa cũng “rút” xuống giường, xuống phản gỗ theo con nước. Củi lửa ngày mưa lũ lập lòe, không đượm nồng như ngày thường. Cũng vậy, cơm quê ngày lũ chỉ được mỗi cơm trắng là món chính thôi. Còn thức ăn, nhà nào có muối mắm, muối cà dự trữ thì còn được mặn miệng không thì vài hạt muối đậu qua quýt xong bữa.
Bữa cơm ngày lũ trong khi người lớn ăn vội ăn vàng để còn dành tâm trí theo dõi mực nước xuống lên thì đám trẻ con luôn cho phép mình rôm rả. Dẫu có đạm bạc và lắm khi còn lạnh ngắt, nhưng cơm quê mùa lũ với trẻ con bao giờ cũng đong đầy nỗi niềm. Từ quê đi ra, những đứa trẻ ngày ấy lớn lên vẫn không ngừng tự vấn, tại sao chống bè, lội lụt lưới cá về lại có cảm giác đói cơm đến thế?
Cơm quê ngày lũ dẫu có gian nan, khốn khó và bên cạnh sự ham vui của con trẻ còn là những tấm lòng quảng đại: “Thương người như thể thương thân”. Hàng xóm láng giềng chia cho nhau từng bát gạo, khi nhà bên cạnh xay xát chưa kịp hay thóc gạo không may bị ướt. Hay cả những nhà ở chỗ trũng sâu bị ngập xin ở nhờ, người quê bao giờ cũng sẵn sàng cưu mang.
Bữa cơm giờ thêm bát, thêm đũa, hao hụt đi chút ít nhưng tình người trong lũ là sự đùm bọc khi đồng loại gặp nguy khó vẫn là thứ tài sản quý giá không thể lưỡng lự, đong đo. Bữa cơm mùa lũ còn ấm nồng mùi vị của sự quên mình, của tình yêu và sự sẻ chia đến từ các lực lượng cứu hộ, cứu nạn và cả những tập thể, cá nhân luôn hết lòng vì đồng loại đã vượt qua biển nước lênh láng, dữ dằn để mang của ăn, thức uống đến tận từng nhà, từng người.
Cơm quê mùa lũ không chỉ cho dân quê năng lượng để chống chọi với hoạn nạn mà đó còn là mực thước của bài học: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; hay: “Lá lành đùm lá rách” mà người xưa đã dạy.