Còn dư địa cho xuất khẩu đồ gỗ
Ngành gỗ trước thách thức cạnh tranh nguyên liệu | |
Đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ tăng mạnh |
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, DN sản xuất chế biến gỗ Việt Nam đang tập trung đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất đồ gỗ nội thất, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường về chất lượng và số lượng.
Sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu đến 120 nước trên thế giới |
Năm 2016 sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 5,12 tỷ USD đến 120 thị trường toàn thế giới. Trong đó, những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu (EU)… vẫn đang có mức tăng trưởng ổn định.
Mặt khác, theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp thì tiêu thụ đồ nội thất gỗ toàn cầu trị giá hơn 460 tỷ USD/năm, trong khi cung ứng từ Việt Nam chỉ chiếm 1,65% trong số này. Điều này đồng nghĩa với việc còn nhiều dư địa cho DN sản xuất chế biến gỗ Việt Nam.
Dự báo, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD. Điều này là khả thi, bởi ngành chế biến gỗ Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây, vươn lên là một trong bảy mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Cả nước hiện có đến 2.000 DN chế biến gỗ, năng lực chế biến trên 2,5 triệu m3 gỗ tròn/năm. Trong đó có hơn 450 DN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, còn lại là các DN sản xuất chế biến hàng gia công xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa.
Ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết thêm, các DN hội viên của HAWA hiện có nhiều khách hàng lớn từ Hoa Kỳ, Nhật Bản đến đặt hàng, thay vì mua sản phẩm từ các công ty Đài Loan đầu tư ở Việt Nam như trước đây. Sự thay đổi này là do DN Việt đã đầu tư mạnh cho kỹ thuật để cải tiến chất lượng sản phẩm, có bộ phận thiết kế mẫu mã hiện đại, quy trình quản lý mới… để cải thiện công suất sản xuất và chất lượng sản phẩm, giải quyết các vấn đề thiếu hụt lao động và nhận những đơn hàng xuất khẩu lớn, tạo được lòng tin của khách hàng.
Mặt khác, các DN trong ngành phụ trợ như cung ứng máy móc, thiết bị và giải pháp cho ngành chế biến gỗ cũng đẩy mạnh nhập khẩu máy móc hiện đại về cung ứng cho các nhà sản xuất ngành gỗ, với mức tăng trên 50%/năm.
Thị trường tiêu thụ nội địa sản phẩm gỗ chế biến đang có xu hướng tăng mạnh từ năm nay và những năm tiếp theo. Lý do thị trường bất động sản đang hồi phục với hàng loạt dự án khu căn hộ từ bình dân đến cao cấp đang hoàn thiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang)… đã đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ nội thất. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, mức tiêu thụ hàng nội thất của Việt Nam đạt trên 2,5 tỷ USD/năm và con số này còn tăng lên theo từng năm.
Ghi nhận tại Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam 2017 tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 100 thương hiệu của DN nước ngoài có tiềm lực và công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh, phân phối đồ gỗ như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Đan Mạch, Hồng Kông, Ireland, Italy, Malaysia, New Zealand… tham gia hội chợ, tìm kiếm đối tác Việt Nam cung ứng nguồn hàng để nhập khẩu và tìm cơ hội cung cấp máy móc, trang thiết bị hiện đại cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Đây chính là điểm mới, đưa ngành chế biến gỗ Việt Nam hội nhập với nhiều nước có thế mạnh trên thế giới. Hai ngày đầu tiên hội chợ đã có 95 hợp đồng cung cấp sản phẩm được ký giữa DN sản xuất Việt Nam và người mua hàng quốc tế, cho thấy sản phẩm gỗ nội, ngoại thất Việt Nam có vị trí vững trên thị trường nội địa và xuất khẩu.