Công cụ hữu hiệu giúp giảm nghèo bền vững
NHCSXH đề xuất giải pháp, cùng Ngành hạn chế tín dụng đen | |
NHCSXH chủ động xây dựng các giải pháp để tăng nguồn vốn cho vay |
Góp phần cùng thành công chung của đất nước, đặc biệt là đối với lĩnh vực giảm nghèo, hoạt động NHCSXH đã có những điểm nổi bật nào trong năm vừa qua, thưa bà?
Với NHCSXH, năm 2018 là một năm đặc biệt thành công với nhiều thành tựu lớn, là điểm sáng của ngành Ngân hàng Việt Nam. Đây là năm ngân hàng có bước chuyển nổi bật trên mọi mặt hoạt động nghiệp vụ, cả về chiều sâu chất lượng phục vụ và thể hiện vững vàng là công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện phát triển kinh tế, xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
NHCSXH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) giải ngân tại điểm giao dịch xã |
Năm qua, NHCSXH đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị tại cơ sở. Cụ thể, năm 2018, tăng trưởng tín dụng đạt 16.002 tỷ đồng, cùng với thực hiện tốt thu nợ với doanh số đạt trên 45.888 tỷ đồng đã tạo ra nguồn tín dụng cho vay mới đạt 62.078 tỷ đồng, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.
Bên cạnh đó, trong năm qua, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đánh giá: “Hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo. Vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng…”.
Đây cũng là năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị của Đảng đi sâu vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Một điểm tích cực nữa là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhưng nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp. Đến 31/12/2018, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,39%, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay. Điều đó chứng tỏ, chất lượng tín dụng được đảm bảo, quy trình cho vay và đối tượng cho vay được thực hiện nghiêm túc, vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin lớn trong xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội ngày càng được các địa phương quan tâm vào cuộc để cùng chung tay với NHCSXH. Điều đó cho thấy những chuyển biến tích cực sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng?
Đúng là Chỉ thị 40 đã tác động rất tích cực tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Đặc biệt là việc bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác cho vay tăng dần đều đã góp phần đáng kể trong tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH. Tại Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động của NHCSXH, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương hàng năm cần quan tâm, tiếp tục dành một phần nguồn ngân sách uỷ thác cho NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, nhằm bổ sung thêm vào nguồn vốn tín dụng giảm nghèo tại địa phương.
Thống kê đến 31/12/2018, nguồn vốn địa phương ủy thác cho NHCSXH đạt 11.809 tỷ đồng (chiếm 5,9%/tổng nguồn vốn), tăng 2.764 tỷ đồng so với năm 2017, đây là mức tăng lớn nhất trong 16 năm qua. Sự quan tâm tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của chính quyền địa phương các cấp trong những năm qua đã mang lại kết quả rất tích cực cho hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH.
Điều đó cũng cho thấy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Qua đó, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong công tác cho vay chính sách, góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Từ những kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 40, NHCSXH có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm gì, thưa bà?
Có thể khẳng định sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động tín dụng chính sách. Nổi bật là việc kịp thời ban hành chính sách đồng bộ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đảm bảo thoát nghèo bền vững.
NHCSXH đã xây dựng mô hình tổ chức đặc thù; tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị. Mô hình này đã huy động được sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Từ những thành công trên, NHCSXH sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương; thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về ý thức trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác và người dân trong việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian tới, NHCSXH đã chủ động báo cáo và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng để triển khai việc tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức sơ kết 5 năm kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Vậy thưa bà, năm 2019, NHCSXH đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Năm nay, NHCSXH đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng trình Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện nhiệm vụ này, đảm bảo chất lượng phục vụ hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, NHCSXH sẽ hướng trọng tâm vào các nội dung cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tập trung khơi tăng nguồn lực, trong đó, quan tâm tới nguồn vốn nhận uỷ thác của các địa phương; đẩy mạnh huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã và nhận tiền gửi của thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống.
Thứ hai, tổ chức rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay cho phù hợp thực tiễn hoạt động.
Thứ ba, NHCSXH sẽ ưu tiên phân bổ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, khó khăn; vùng có thiệt hại về thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, góp phần giảm cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Thứ tư, như trên tôi đã nói, NHCSXH sẽ phối hợp cùng Văn Phòng Trung ương Đảng và Ban Kinh tế Trung ương báo cáo, tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Xin cảm ơn bà!