Công nghiệp hỗ trợ điện tử “lỡ nhịp”
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ | |
Samsung Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất linh kiện |
Theo Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 11/2017 là 3,5 tỷ USD, tăng 7% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 11/2017, nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước là 34 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn linh kiện điện - điện tử vẫn phải nhập khẩu |
Trên thực tế, việc nhập khẩu linh kiện của ngành điện tử không chỉ tăng mạnh trong năm nay, mà đây là thực trạng của nhiều năm. Trung tâm Phát triển DN CNHT (Bộ Công Thương), cho biết, năm 2016, ngành điện tử phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm. Các nhà cung ứng cấp một cho ngành điện tử hầu hết là công ty FDI, tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm chỉ từ 20-30%.
Nguyên nhân là do tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp. Các DN sản xuất trong nước mới chỉ tham gia vào khâu hoàn thiện sản phẩm bằng việc làm các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa mà chưa vươn tới các linh kiện quan trọng có giá trị gia tăng cao hơn.
Chưa kể, về số lượng DN CNHT, ước tính sản xuất linh kiện điện - điện tử có 610 DN, so với tỷ lệ DN điện tử chiếm khoảng 52,28%. Đây là một tỷ lệ rất thấp. Để đảm bảo cung ứng tốt cho ngành lắp ráp, các DN sản xuất linh phụ kiện phải lớn hơn nhiều so với số DN lắp ráp.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Tổng giám đốc CTCP Hanel chia sẻ, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc cần 20 năm đã có CNHT phát triển mạnh, tại sao ở Việt Nam làm 30 năm nay vẫn không xong. Theo ông Vinh, nguyên do là các DN không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch, cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, vì thế nếu không được đảm bảo đầu ra, DN chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn.
“Tôi biết hiện nay các chính sách có nhiều, nhưng vẫn thiếu một cái gì đó để gắn được vào với DN. Đó là câu chuyện chúng ta cần phải bàn. Đơn giản từ việc DN làm ra sản phẩm nhưng không biết thử nghiệm sản phẩm đó ở đâu?”, ông Vinh nói.
Theo đó, ông Vinh đề xuất, để làm được điều này phải có "bàn tay" của nhà nước. Theo đó, đẩy mạnh liên kết giữa DN nội và DN FDI, liên kết giữa quản lý nhà nước và bộ ngành với DN.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thuý Hương, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam kiến nghị, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp điện tử đã và đang tiếp tục được hoàn thiện nhưng để những chính sách này cần đi vào thực tế với sự nỗ lực lớn của các bộ ngành.
“Làm thế nào để đẩy mạnh liên kết giữa khu vực trong nước với các DN FDI để DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu. Hiện nay DN rất cần sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước, DNNVV không thể tự thử nghiệm công nghệ mới mà cần có trung tâm chuyên đảm nhiệm việc này”, bà Hương chia sẻ.
Quan trọng hơn, theo bà Hương, cần xây dựng cơ chế tránh để các tập đoàn đa quốc gia đem các đối tác truyền thống sang Việt Nam đầu tư, thậm chí là đem cả vốn, lao động sang Việt Nam đầu tư và nẫng tay trên thành quả đàm phán của Chính phủ Việt Nam, lợi ích mà nền kinh tế Việt Nam thu được trong trường hợp này là rất nhỏ, các DN nội địa thì có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
Bên cạnh đó, ở góc độ DN điện tử, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Tập đoàn Samsung bày tỏ, không chỉ Samsung mà các DN FDI đều có yêu cầu cao về trình độ công nghệ và chất lượng. Chính vì vậy, các DN Việt Nam nên đi theo hướng mời chuyên gia, người đã từng có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các DN Nhật Bản, Hàn Quốc về làm cố vấn cho mình, thông qua đội ngũ này, DN Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều về kinh nghiệm quản lý, công nghệ.
Đồng thời, theo ông Bang Hyun Woo, khó khăn lớn nhất của các DN FDI khi bắt đầu đầu tư ở Việt Nam là không biết năng lực DN Việt đến đây, họ có thể sản xuất công nghệ nào, quy mô ra sao... Vì vậy, chúng tôi cần có cơ sở dữ liệu của các DN Việt Nam, từ đó tìm nhà cung ứng phù hợp với mình.