Cuộc đua dịch vụ ngân hàng đầu tư
Ngân hàng đầu tư sâu vào dịch vụ | |
Ngân hàng đầu tư vì sự an toàn thanh toán |
Hái quả từ dòng vốn luân chuyển
Trong những năm gần đây, ngoài việc đẩy mạnh hệ thống sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ và phát triển ngân hàng số thì dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) với các hoạt động chính như: tư vấn DN, tư vấn IPO, mua bán sáp nhập (M&A), phát hành cổ phiếu, bảo lãnh phát hành… đều đang được các NHTM quan tâm, thúc đẩy thông qua các công ty chứng khoán trực thuộc.
Dịch vụ ngân hàng đầu tư bắt đầu thu hút nhiều NHTM tham gia |
Theo số liệu của Vietcombank, sau 17 năm kinh doanh trên thị trường, hiện công ty chứng khoán của ngân hàng này (VCBS) đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực môi giới, tư vấn cổ phần hóa và M&A. Với các hợp đồng lớn như: hợp đồng làm đại lý đấu giá cho thương vụ thoái vốn của Sabeco, VCG; hợp đồng tư vấn M&A cho Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Pan, CTCP Thép Việt Ý… trong các năm 2017-2018 vừa qua, doanh thu của VCBS tăng trưởng vượt bậc 280% đạt mức 458 tỷ đồng vào cuối 2018.
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc VCBS cho biết, trong năm 2019 để tận dụng tìm kiếm cơ hội hợp tác từ những dòng vốn luân chuyển trong làn sóng M&A và IPO, đơn vị sẽ tiếp tục coi IB là lĩnh vực cốt lõi để thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ. Trong năm 2019, VCBS sẽ đưa ra giải pháp tài chính trọn gói và hiệu quả nhằm hỗ trợ đối tác huy động lượng tiền lớn từ các thương vụ M&A liên quan đến yếu tố nước ngoài và thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế.
Không chỉ VCBS, hiện nay hàng loạt các công ty chứng khoán trực thuộc các NHTM như: VCSC của VietCapitalBank, BSC của BIDV, MBS của MB, TCBS của Techcombank… cũng đều đang lên kế hoạch lớn để đón làn sóng M&A và IPO lần thứ 2. Theo đó, VCSC sau khi gặt hái mức lợi nhuận sau thuế 823 tỷ đồng vào cuối năm 2018 đã tăng vốn điều lệ lên mức 1.600 tỷ đồng và tập trung mạnh vào phát triển mảng môi giới mua bán sáp nhập DN.
Trong khi đó, để cải tổ quy mô hoạt động và cơ cấu lại các danh mục đầu tư, mới đây MBS đã chính thức chấp thuận phương thức bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược vượt 25% mà không cần chào mua công khai. Đồng thời dự kiến phát hành thêm 52,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên mức 1.740 tỷ đồng và hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 77,6% so với năm 2018.
Ở phía BSC, diễn biến cũng tích cực không kém. Với sự hậu thuẫn vững chắc của dịch vụ ngân hàng số BIDV, hiện đơn vị này đã cho ra mắt ứng dụng quản lý đầu tư chứng khoán BSC i-Invest để tranh thủ hỗ trợ các nhà đầu tư chứng khoán khai thác chuyên sâu trên các nền tảng số hóa.
Lãnh đạo BSC cho biết, khi “miếng bánh” dịch vụ ngân hàng đầu tư ngày càng hấp dẫn thì cuộc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán và các NHTM cũng ngày càng khốc liệt. Ngoài việc thu hút, tranh thủ các hợp đồng lớn thì việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ cho các nhà đầu tư có số vốn nhỏ tham gia thị trường chuyên nghiệp cũng sẽ là mảng có nhiều tiềm năng sinh lợi.
Dịch chuyển danh mục đầu tư và nhân sự
Theo Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam, trong giai đoạn 2019-2020 làn sóng M&A sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việc Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn trong các DNNN, sẽ khiến Việt Nam tiếp tục trở thành thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á. Tiền đề này sẽ khiến IB trở thành ngành “hot” và mang về doanh thu lớn cho các công ty chứng khoán.
Ông Chu Đức Tuấn - Công ty chứng khoán Phố Wall cho rằng, đến hiện tại, hầu hết các tên tuổi lớn trong ngành IB quốc tế đã xuất hiện và kinh doanh tại Việt Nam như Credit Suisse, Goldman Sachs, Morgan Stanley, J.P. Morgan, Normura Securities…
Nhiều NHTM trong nước hiện nay cũng đã tham gia vào lĩnh vực IB với hình thức mở công ty chứng khoán. Vì thế chắc chắn trong những năm tới hoạt động IB sẽ tiếp tục được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh và sẽ có những sáp nhập giữa các công ty chứng khoán để thực hiện hình thành các IB vững mạnh và chuyên nghiệp đủ sức cạnh tranh với các công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn hiện nay các quy định pháp lý đối với lĩnh vực IB tại Việt Nam vẫn chưa được thể hiện cụ thể trong Luật Các TCTD. Vì vậy để IB trở thành một ngành kinh tế tài chính chuyên nghiệp, cần thiết phải xây dựng khung pháp lý về việc thành lập, tổ chức, cơ chế hoạt động và giám sát các IB một cách độc lập, có sự phân biệt rõ ràng giữa 2 mô hình NHTM và IB, tiến tới thành lập các ngân hàng tổng hợp và các tập đoàn tài chính vững mạnh.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần sớm đưa ra quy định về các sản phẩm tài chính mới như sản phẩm phái sinh, trái phiếu cơ cấu, các sản phẩm hình thành từ chứng khoán hóa và trái phiếu có lợi suất cao. Từ đó các công ty chứng khoán phát triển thành những dịch vụ tài chính của mình nhằm bổ sung vào lĩnh vực kinh doanh.
Ở góc độ nhân sự, bà Hoàng Hải Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, trong bối cảnh phát triển cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đầu tư, trong những năm tới không chỉ danh mục đầu tư của các công ty chứng khoán và các NHTM có sự dịch chuyển mà cả mảng nhân sự khối ngành tài chính – ngân hàng cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Để phát triển các dịch vụ IB, các công ty chứng khoán và các NHTM sẽ tăng cường tuyển dụng nhân sự cho các vị trí nghiệp vụ như: nghiên cứu đầu tư, quản lý đầu tư, nghiệp vụ nhà môi giới chính, chuyên gia thúc đẩy hợp tác…
Vì vậy, hoạt động đào tạo nhân sự khối ngành tài chính – ngân hàng trong các năm tới cũng sẽ có sự chuyển dịch. Bên cạnh các khối ngành nghiệp vụ phục vụ phát triển ngân hàng bán lẻ số hóa như thiết kế giao diện đối thoại, bảo mật, thiết kế thuật toán… thì những nghiệp vụ IB cũng sẽ có nhu cầu cao trong giai đoạn tới.