Da giày có nắm được thời cơ?
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (VEFTA) đã kết thúc đàm phán.Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi gia tăng cơ hội, nâng cao kim ngạch hàng hóa và chất lượng sản phẩm, nhất là đối với một số mặt hàng có ưu thế như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông thủy sản...
Trong đó, riêng mặt hàng giày da xuất khẩu được đánh giá là có nhiều cơ hội tiến sâu và làm chủ thị trường EU nếu các DN tập trung tháo gỡ những điểm yếu, khẳng định giá trị và thương hiệu tại thị trường quốc tế.
Mặt hàng giày xuất khẩu được đánh giá là có nhiều cơ hội tiến sâu vào thị trường EU |
Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP. HCM cho rằng, mặc dù FTA với EU hay TPP đang mở ra cơ hội lớn khi thuế suất nhiều mặt hàng bằng 0%, nhưng cùng đó là sự ràng buộc về nguồn gốc xuất xứ, nguyên phụ liệu hàng hóa.
Đây cũng chính là điểm yếu của ngành da giày khi phụ thuộc đến 70 – 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nếu không gỡ được những nút thắt này thì chuyện phải làm hàng gia công là khó tránh khỏi.
Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay các DN trong nước chưa đủ lực nên khó có thể “bao sân” từ khâu đầu đến khâu cuối. Bên cạnh đó, sản phẩm giày da Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế nên bài toán lại càng thêm phần khó khăn.
Vì vậy, bước đầu các DN Việt có thể tham gia như một khâu quan trọng trong chuỗi mắt xích sản xuất hàng hóa trên thế giới, từ sản xuất gia công, rồi dần chuyển sang những hình thức cao hơn như FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) cho đến ODM (tự thiết kế, sản xuất cung ứng ra thị trường).
Đại diện Công ty Giày An Thịnh (thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho biết, từ đầu năm đến nay hầu hết các DN sản xuất mặt hàng giày da, túi xách trên địa bàn trong đó có An Thịnh đều khá dồi dào đơn hàng. Song phần lớn các đơn hàng này được đặt sẵn theo hình thức CMC, tức là các DN trong nước sản xuất ra sản phẩm theo mẫu được bạn hàng quy định từ thiết kế đến nguyên phụ liệu, hay nói cách khác là làm gia công.
Về ưu điểm, các DN không phải lo đầu ra cho sản phẩm, không phải đầu tư, nghiên cứu nhiều, nhưng đồng thời thì giá trị thu về cũng không cao. Nhiều DN da giày quy mô nhỏ cho rằng, thực tế hàng xuất đi nước ngoài, nhất là thị trường khó tính như các nước EU, Mỹ, Nhật... thì quy chuẩn về hàng hóa rất khắt khe, nghiêm ngặt, chưa kể đến đến việc do là mặt hàng thời trang nên mẫu mã, chất liệu thường thay đổi liên tục. Vì vậy, với các DN trong nước tiềm lực yếu thì trước mắt việc làm hàng gia công vẫn là một lựa chọn an toàn được ưu tiên.
Theo báo cáo của Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso), trong tổng số khoảng gần 600 DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực da giày, thì chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, có khoảng 70 – 80% các nhà máy làm hàng gia công cho các hãng giày đã xây dựng được uy tín, có tên tuổi trên thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, không ít thương hiệu da giày lớn trên thế giới như Adidas, Nike, Puma... hiện đang đặt nhà máy sản xuất gia công tại Việt Nam để sản xuất và cung ứng sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới. Điều này cũng tạo một kênh để bạn bè quốc tế biết đến nhiều sản phẩm có chất lượng quốc tế đang được sản xuất tại Việt Nam.