Đặc khu kinh tế và nỗi lo lạm quyền
Bất đồng quan điểm về chính quyền địa phương trong đặc khu kinh tế | |
Cần thể chế thay vì ưu đãi vượt khung | |
Tạo lực hút đầu tư từ mô hình đặc khu |
Với quan điểm “không có đặc thù thì không có đặc khu kinh tế” các ý kiến góp ý với Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (tạm gọi là đặc khu kinh tế) thống nhất cao về mô hình “chính quyền đặc biệt” cho đặc khu kinh tế và quan điểm người đứng đầu đặc khu cần được trao quyền đặc biệt.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Được trao quyền đặc biệt cũng có nghĩa là rủi ro nguy cơ lạm quyền lớn, vậy để ngăn chặn lạm quyền thì cần có sự giám sát thế nào, ai giám sát, mô hình nào…
Phú Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành một đặc khu kinh tế mang lại 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất |
128 quyền hạn trao cho 1 người
Dự thảo Luật đưa ra mô hình chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính được tổ chức một cấp chính quyền địa phương với 2 phương án: Phương án 1: không tổ chức HĐND và UBND mà quyền lực được tập trung ở Trưởng Đặc khu. Phương án 2: tổ chức chính quyền đặc khu là HĐND và UBND đặc khu.
Theo nghị quyết về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ đã thống nhất phương án 1 của dự thảo là tổ chức chính quyền đặc khu theo mô hình trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, không tổ chức Hội đồng nhân dân; quy định phân cấp cho trưởng đặc khu một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh; bổ sung quy định cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trưởng đặc khu tổ chức và hoạt động của các cơ quan: tòa án, kiểm sát, thi hành án là cấp đặc biệt, có đủ thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, tố tụng.
Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, là người đứng đầu, quyết định và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng với 128 quyền hạn. Để ngăn chặn nguy cơ lạm quyền và đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Dự thảo Luật quy định bổ sung cơ chế giám sát hoạt động của hội đồng tư vấn giám sát do Thủ tướng thành lập.
Hội đồng này sẽ thực hiện chức năng giám sát hoạt động của trưởng đặc khu tại địa bàn và thực hiện nhiệm vụ tư vấn đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đặc khu và một số nhiệm vụ quan trọng khác thuộc thẩm quyền của trưởng đặc khu.
Giám sát dứt khoát là cần nhưng ai giám sát, giám sát thế nào và hội đồng này có phải là một đề xuất hợp lý và khả thi... là vấn đề còn mâu thuẫn giữa các chuyên gia.
Đến nỗi lo rủi ro lạm quyền
“Việc đề xuất thành lập hội đồng tư vấn giám sát này là Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ban soạn thảo rất cầu thị”, ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một thành viên của Ban soạn thảo cho biết. Nhưng một thành viên khác của Ban soạn thảo là ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại tỏ ý khá bất ngờ trước nội dung này. Còn PGS.TS.Hoàng Ngọc Giao - Viện Chính sách pháp luật và phát triển lại nói rằng "Tôi không tin năng lực của Hội đồng giám sát, liệu rằng có bị lợi ích nhóm tác động, ai kiểm soát hiệu quả của hội đồng này".
“ Để đặc khu phát triển thì đặc khu này là cấp tỉnh, tương đương cấp tỉnh, hoặc đặc khu này chẳng thuộc đơn vị nào cả, là một phần của đất nước giống như Bali”, PGS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm. Theo ông: “Các vấn đề để phát triển đặc khu kinh tế phải vượt qua khỏi tư duy đi từ các quy tắc cũ. Luật, thể chế, kinh tế tại đây phải được mạnh dạn làm mới. Nếu đặc khu kinh tế vẫn sử dụng quy tắc cũ chỉ cơi nới thêm thì không có ý nghĩa gì cả".
Nhiều chuyên gia kể cả chuyên gia luật cũng cảm thấy chưa yên tâm và đề xuất quay lại mô hình bên cạnh trưởng đặc khu vẫn có hội đồng nhân dân. Không đồng tình với những ý kiến trên và ủng hộ ban soạn thảo, ông Phúc nói: Đã có hội đồng nhân dân ở đặc khu thì theo Hiến pháp là phải có ủy ban nhân dân. Mà nếu như thế thì không có gì gọi là đặc khu, vượt trội mà lại quay về mô hình chính quyền địa phương các tỉnh hiện nay.
“Một vài chuyên gia lo ngại rủi ro lạm quyền dẫn đến hậu quả xấu, bởi trên thực tế đã có hiện tượng lạm quyền. Nhưng dự thảo đã đưa ra mô hình chính quyền đặc khu với cơ chế giám sát theo tầng nấc huyện - tỉnh và trung ương, chịu sự giám sát của hội đồng tư vấn giám sát ở đặc khu và nhân dân”.
Bên cạnh chức năng giám sát, hội đồng còn có chức năng tư vấn. Đây là sự tư vấn bắt buộc mà trưởng đặc khu phải tiếp thu chứ không phải tư vấn chỉ để tư vấn, trưởng đặc khu có tiếp thu hay không thì tùy là không được. Cơ chế tư vấn này cũng là một “van” hạn chế sự lạm quyền, hạn chế những quyết định lệch lạc của trưởng đặc khu. “Chính quyền đặc khu, trưởng đặc khu là một sự vượt trội, đặc thù và tương đối độc lập nên bên cạnh sự giám sát của hội đồng tư vấn giám sát, của Hội đồng nhân dân, rất cần có sự giám sát cùng cấp, tại chỗ và thường xuyên”, ông Phúc nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Uông Chu Lưu cho biết, nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết luật này tại kỳ họp thứ V (tháng 5/2018).