Bất đồng quan điểm về chính quyền địa phương trong đặc khu kinh tế
Kinh nghiệm phát triển các mô hình khu kinh tế, đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính của các quốc gia trên thế giới cho thấy một trong những điều kiện quyết định sự thành công của mô hình này là phải có bộ máy quản lý hành chính gọn nhẹ và hiệu quả.
Ảnh minh họa |
Theo ban soạn thảo dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế (tạm gọi là đặc khu), để bảo đảm việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các quy định về thể chế, chính sách kinh tế - xã hội có tính chất đặc biệt, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho đặc khu kinh tế, đề nghị xác định chính quyền địa phương tại các đơn vị đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc không phải là cấp chính quyền địa phương.
Như vậy, không tổ chức HĐND và UBND tại 3 đặc khu. Chính quyền địa phương tại 3 đơn vị này là một thiết chế được gọi là Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (tạm gọi là trưởng đặc khu) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đặc khu. Đơn vị đặc khu được chia thành các khu hành chính trực thuộc. Tại khu hành chính có Trưởng khu hành chính là người đại diện hành chính của Trưởng đặc khu; Do không tổ chức HĐND ở đặc khu nên một số thẩm quyền của HĐND cấp huyện theo quy định hiện hành được điều chuyển lên HĐND cấp tỉnh và UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo đã điều chỉnh theo hướng: Chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Hội đồng Giám sát và Tư vấn. Tinh thần của dự thảo và của các chuyên gia là “phân cấp, phân quyền mạnh cho Trưởng đặc khu”. Trưởng đặc khu chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên; Trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức.
Hội đồng Giám sát và Tư vấn đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ thành lập gồm các thành viên là đại diện Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, đại diện Thường trực HĐND tỉnh, đại diện UBND tỉnh, thành viên chuyên trách, chuyên gia, đại diện nhà đầu tư chiến lược và đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại đặc khu. Thực hiện chức năng giám sát hoạt động của Trưởng đặc khu tại địa bàn và thực hiện nhiệm vụ tư vấn đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đặc khu và một số nhiệm vụ quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Trưởng đặc khu.
Tuy nhiên, những nội dung trong dự thảo luật lại vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình và đã có những quan điểm rất ngược nhau. Ngay như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn – Phó ban soạn thảo dự thảo cũng tỏ ý không đồng tình khi bản dự thảo mới có thêm nội dung về hội đồng tư vấn này bởi “đã tư vấn lại giám sát” là không thống nhất. Còn ông Hoàng Thanh Tùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại tỏ ra hài lòng khi thấy dự thảo đã bổ sung nội dung về Hội đồng giám sát và tư vấn. Ông Tùng phát biểu: “Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung này vừa phù hợp với Hiến pháp, vừa tăng cường cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp tại đơn vị hành chính đặc biệt”.
PGS.TS.Hoàng Ngọc Giao - Viện Chính sách pháp luật và phát triển vẫn băn khoăn về cơ chế bổ nhiệm và bãi nhiệm trưởng đặc khu và liệu có chọn được người đủ năng lực? Không đồng tình với việc trao quyền quá lớn cho vị trưởng đặc khu như dự thảo, ông nói, trưởng đặc khu là một giám đốc điều hành, không phải là người ban hành chính sách... nếu vị trưởng đặc khu này mà có quyền như thẩm định đề án xử lý môi trường chẳng hạn thì như vậy là người ban hành chính sách. Ông cũng nói người này phải do dân bầu trực tiếp chứ không qua hiệp thương, “đã đột phá phải đột phá như vậy”.
PGS.TS.Lê Hồng Hạnh - Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam cũng không đồng tình với việc trao quyền cho trưởng đặc khu và mô hình chính quyền đặc khu như dự thảo. Ông nói “Luật về đặc khu phải có đặc thù nhưng không được xung đột, không được triệt tiêu với các luật khác, không được vô hiệu hóa hiệu lực quản lý của các bộ chuyên ngành”.
Không đồng tình với các ý kiến đó, TS.Phạm Tuấn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nói: “Muốn làm luật này phải đổi mới tư duy, còn tư duy sợ điều này điều kia thì không làm được. Đã có mô hình đặc thù thì phải chấp nhận xung đột với những quy định hiện hành, phải cho nó vượt quyền các bộ để có sự phát triển. Vẫn còn tư duy “quyền anh – quyền tôi” thì sẽ ra một mô hình méo mó và sẽ không có được một đặc khu nào cả”. Theo ông, không nên có HĐND bên cạnh. Trưởng đặc khu không chịu sự giám sát của HĐND, những người này sẽ phải chịu trách nhiệm với nhiệm vụ của mình trước luật pháp, trước tòa án.