Tạo lực hút đầu tư từ mô hình đặc khu
Kỳ vọng mô hình đặc khu kinh tế | |
Cần xem lại vai trò đặc khu kinh tế | |
Bước đệm tới mô hình đặc khu kinh tế |
Sau nhiều mong đợi, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ và đang được lấy ý kiến đóng góp, trong đó đưa ra nhiều ưu đãi vượt trội để thu hút đầu tư vào mô hình đặc khu kinh tế. Chia sẻ về kỳ vọng đối với mô hình đặc khu kinh tế, các chuyên gia cho rằng đây phải là mô hình thực sự khác biệt, vượt trội về thể chế, nếu không thì không thể góp phần cho tăng trưởng GDP của địa phương bật lên mạnh mẽ, tạo sức bật cũng như tính lan toả cho nền kinh tế.
Về cơ bản, 3 đặc khu kinh tế đầu tiên được đưa ra trong dự thảo luật (gồm Vân Đồn – tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – tỉnh Khánh Hoà, Phú Quốc – tỉnh Kiên Giang) là đơn vị cấp huyện trực thuộc tỉnh. Tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân theo 2 cấp, đồng thời sẽ nhất thể hoá chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND giống chức danh thị trưởng tại các thành phố lớn trên thế giới. Một loạt các chính sách về đất đai, giao thông, lao động, thuế suất, tài chính NH… đã được đưa ra và đang được xem xét, nghiên cứu.
Ảnh minh họa |
Chia sẻ về dự án luật này, người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng cho biết, tinh thần của luật là phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, đảm bảo tuân theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo độc lập chủ quyền lãnh thổ. Các cơ chế chính sách sẽ cởi mở thông thoáng, hấp dẫn nhất có thể để thu hút các NĐT chiến lược.
Với các chính sách vượt khỏi khung pháp luật hiện hành, ông Dũng cho biết cơ chế kiểm soát việc thực thi các chính sách này sẽ được thiết kế theo hướng có sự giám sát của Trung ương trong triển khai thực hiện, cùng với sự giám sát của Hội đồng nhân dân địa phương đối với toàn bộ hoạt động của các khu này. “Yếu tố thứ 3 quan trọng hơn cả, là người đứng đầu các khu này sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm”, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Dự thảo luật đưa ra hàng loạt nội dung mang tính ưu đãi vượt trội so với quy định hiện hành. Điển hình là quy định về đất đai. Dự thảo đang được xây dựng theo hướng quy định đối với các ngành, nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển và ngành, nghề trọng tâm ưu tiên phát triển…, thì thời hạn sử dụng đất không quá 99 năm. Đối với các ngành, nghề khác không quá 70 năm.
Hoặc đối với chính sách về lao động, việc làm, tiền lương và an sinh xã hội, người sử dụng lao động tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có quyền tuyển dụng người lao động nước ngoài theo nhu cầu. Dự thảo luật cũng có nhiều nới lỏng về thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân phát sinh tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm nhưng không quá năm 2030, và giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó còn có các chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng; chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN; chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển và chuyển giao công nghệ; chính sách về xuất cảnh, nhập cảnh, đi lại và tạm trú...
Nội dung dự thảo luật cũng thống nhất các phương án xây dựng Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị, trên tinh thần lựa chọn phát triển thế mạnh riêng nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, đảm bảo phân bổ nguồn lực theo vùng và tạo hiệu ứng lan toả trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, mục tiêu phát triển của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn là trở thành đô thị du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm dịch vụ hàng không và văn hóa sáng tạo, vùng phát triển và chế biến dược liệu và là đầu mối giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc – ASEAN.
Mục tiêu phát triển của đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong là trở thành khu vực đầu mối phát triển về cảng biển nước sâu, dịch vụ logistics cảng biển quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, y tế, giáo dục và đào tạo chất lượng cao.
Mục tiêu phát triển của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc là trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế trên cơ sở bảo tồn và khai thác lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống.