Cần thể chế thay vì ưu đãi vượt khung
Tạo lực hút đầu tư từ mô hình đặc khu | |
Kỳ vọng mô hình đặc khu kinh tế | |
Cần xem lại vai trò đặc khu kinh tế |
Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Chính phủ gấp rút hoàn thiện, dự kiến sẽ trình lên Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới, được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào các đặc khu kinh tế, đưa các đơn vị này thành các cực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Tuy nhiên trái với tham vọng trên, cho tới thời điểm này ghi nhận từ các chuyên gia kinh tế cho thấy các nội dung mà luật đưa ra dường như vẫn còn cách khá xa mục tiêu.
Đánh giá một cách ngắn gọn về dự án luật này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ngần ngại cho rằng, với các nội dung được đề xuất thì chúng ta chỉ vượt trội hơn so với chính chúng ta, trong khi vẫn cách xa so với thế giới.
Ảnh minh họa |
Ông Thắng dẫn chứng, các nội dung về thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu… được quy định trong luật đều có ưu đãi vượt mức cao nhất so với mức đang áp dụng hiện hành, theo hướng kéo dài thời hạn thụ hưởng. Tuy nhiên, các vấn đề này đều đã được nhiều đặc khu khác trên thế giới áp dụng, thậm chí còn ở mức cao hơn. Ông Thắng lưu ý rằng các đặc khu trên thế giới còn cởi mở hơn nhiều so với Việt Nam khi hạn chế đến mức tối đa danh mục kinh doanh có điều kiện.
“Có thể nói rằng trong dự thảo luật các điều kiện ưu đãi chúng ta so với quốc tế thì chưa có gì thực sự nổi trội”, ông Thắng bình luận. Ông lưu ý, mục tiêu xây dựng đặc khu là nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ cao, vì vậy nếu không tạo ra chính sách đột phá thì sẽ rất khó, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư quyết liệt hiện nay.
“Đã gọi là đặc khu thì thể chế phải mang tính đột phá, vượt trội so với những điều kiện hiện có để thu hút đầu tư không chỉ so với chính các địa phương của Việt Nam mà so với các đặc khu của các quốc gia khác trên thế giới”, ông nói.
Đây cũng là quan điểm phổ biến của các chuyên gia kinh tế khi được tham vấn đề dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, là khung pháp lý để xây dựng nên mô hình đặc khu kinh tế.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá, luật chưa tạo ra đột phá vượt trội mà mới chỉ quanh quẩn trong các ưu đãi thuần tuý về thuế, phí… Trong khi đối với các NĐT chiến lược hiện nay, các ưu đãi này đã không còn quá quan trọng. Thay vào đó, theo ông Cung, việc xây dựng hệ thống thể chế cho 3 đặc khu này phải mang ý nghĩa sống còn, làm chúng khác biệt so với phần còn lại của đất nước để trở nên vượt trội và có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Đồng quan điểm với ông Cung, TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright phân tích, kinh nghiệm của các đặc khu kinh tế trên thế giới cho thấy, điều quan trọng nhất không phải là ưu đãi hay khuyến khích tài khóa, mà quan trọng hơn là môi trường thể chế và chính sách thông thoáng, ổn định và có thể tiên liệu được. Ông cũng lưu ý rằng, việc quá chú trọng tới các ưu đãi tài chính sẽ gây ra tác dụng ngược khi chỉ thu hút các DN chạy vào đặc khu để tìm kiếm ưu đãi vượt trội mà không tạo ra nhiều giá trị gia tăng tương xứng.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề, để xây dựng khung thể chế, chính sách cho đặc khu trước hết phải trả lời được câu hỏi đối tác chiến lược của đặc khu là ai, đối tượng phục vụ là ai và ngành công nghiệp mũi nhọn của đặc khu là gì? Ông Kiên dẫn chứng, Thâm Quyến là trụ sở của Foxcon, nơi sản xuất ra điện thoại iPhone, thì Thâm Quyến trước tiên phải là trung tâm của ngành công nghiệp điện, điện tử, sau đó mới là trung tâm tài chính để hỗ trợ cho các DN trong lĩnh vực này. Từ trường hợp này, chúng ta phải đặt vấn đề Foxcon đưa ra những yêu cầu gì và Trung Quốc đáp ứng như thế nào để có được cái gật đầu của họ.
“Nhìn ngược lại, phải thấy rằng xây dựng đặc khu là may áo cho vừa với đối tác, chứ không phải làm quần áo bán sẵn”, ông Kiên ví von. Với 3 đặc khu của Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào du lịch, ông Kiên đặt vấn đề nếu chỉ dựa vào du lịch thì có cần thiết phải xây dựng đặc khu kinh tế hay không.
Ngoài ra, một vấn đề khác nhận được nhiều sự quan tâm từ các chuyên gia là tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu còn chưa thực sự rõ ràng. Với các quy định hiện hành, dự thảo luật vẫn còn khá rụt rè, đặc biệt các điều khoản về trao quyền, các chính sách về ưu đãi cho ba đặc khu của Việt Nam chưa vượt mức của các đặc khu thấp của thế giới. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chính quyền đặc khu cần được trao nhiều quyền lực ở tầm quốc gia để xử lý nhanh các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, theo dự thảo luật thì mô hình chính quyền đặc khu chưa thực sự rõ ràng, mức độ rất thấp nếu xét về nghĩa “đặc biệt và độc lập” và khó mà nhận thấy bóng dáng của yêu cầu “thể chế vượt trội” ở tầm quốc tế.