“Đánh thức” tiềm năng doanh nghiệp logistics
Logistics Việt yếu trong khâu liên kết | |
Số hóa đang thay đổi môi trường vận tải biển |
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng, cần có cơ chế tác động 4 ngành này để tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ khu vực dịch vụ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tỷ trọng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu thành phố trong năm chiếm 52,7%.
Ảnh minh họa |
Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao là thương nghiệp (13,0%), vận tải kho bãi - logistics (8,6%), kinh doanh bất động sản (7,3%), tài chính ngân hàng (6,3%); đây là những ngành chủ đạo chiếm 60,4% nội bộ khu vực dịch vụ. Trong đó, dịch vụ logistics đạt 91.541 tỷ, chiếm 8,6% và 14,8% trong khu vực dịch vụ. Đây là ngành có vị trí quan trọng thứ 2 trong 9 ngành dịch vụ, có mức tăng trưởng 10,84% so cùng kỳ.
Do vị trí địa lý đặc thù là trung tâm kinh tế, với hệ thống cảng biển và các kho chứa hàng nên TP. Hồ Chí Minh có vai trò đầu mối trong hoạt động vận chuyển hàng hóa của cả khu vực Đông Nam bộ, chủ yếu dựa vào vận tải đường bộ và hàng không. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của thành phố không đáp ứng kịp. Hiện, thành phố đang thí điểm tuyến buýt giao thông bằng đường sông.
“TP. Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam cần có chương trình hành động chung trong việc xây dựng các trung tâm logistics và kho phân phối tập trung của vùng. Việc xây dựng các kho phân phối tập trung giúp cho việc phục vụ một thị trường rộng lớn hơn và cùng với nó là việc phát triển các cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ đó tăng chất lượng dịch vụ và giảm giá thành.
Các trung tâm phân phối cần phải có sự nghiên cứu quy hoạch sớm, chi tiết về sản lượng hàng, luồng hàng, dòng xe, xây dựng hệ thống đường bộ, đường thủy và đường sắt kết nối để giảm sự ùn tắc giao thông cục bộ....”, ông Hòa cho biết thêm.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, các DN trong ngành có quy mô về vốn lớn từ 50 tỷ đồng trở lên còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 4,68%. Số lượng DN chiếm tỷ trọng cao nhất qua các năm chủ yếu là các DN có số vốn tương đối nhỏ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Thậm chí, một số DN có số vốn cực kỳ ít ỏi là dưới 500 triệu đồng.
Có thể thấy, các DN kinh doanh trong ngành vận tải và kho bãi trong nước chủ yếu là DNNVV, vốn ít nên gặp khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để hỗ trợ cho hoạt động vận tải đường bộ ngày càng phát triển trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, việc kinh doanh lãi lỗ của các DN vận tải kho bãi có thể thấy tỷ lệ các DN kinh doanh có lãi đã tăng theo các năm, tuy nhiên mức độ tăng đang chậm lại trong những năm gần đây.
Một số chuyên gia phân tích, khi nước ta tham gia vào AEC, việc trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi vận tải xuyên biên giới đòi hỏi phải có nỗ lực của DN và cũng cần có một số tiền đầu tư lớn. Vì đa số DN có quy mô nhỏ lẻ phân tán nên không khai thác được tính kinh tế nhờ quy mô và mạng lưới vốn là một điểm mạnh của khai thác vận tải đường bộ. Hạn chế về khả năng tài chính và trình độ quản trị DN là rào cản lớn cho các DN logistics Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
Cụ thể, đa phần DN logistics là các DN trong nước (chiếm 88%), còn 10% là các DN liên doanh và chỉ có 2% là DN 100% vốn nước ngoài. Phạm vi hoạt động của các DN logistics bao trùm cả thị trường quốc tế với 84% số DN dịch vụ logistics Việt Nam có phạm vi hoạt động cả trong và ngoài nước và có 16% DN chỉ hoạt động trong nước. Từ số liệu này cho thấy, năng lực và khả năng “phủ sóng” của DN logistics nội còn nhiều hạn chế.
Bàn về vấn đề năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế của DN logistics Việt, ông Trần Trí Dũng, Trưởng ban cố vấn chuyên môn, Trường Logistics và hàng không Việt Nam (VILAS) đưa ra nhận định, đến nay Việt Nam đã chính thức mở cửa thị trường dịch vụ logistics cho các công ty 100% vốn nước ngoài.
Đồng thời, hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, hàng loạt hiệp định tự do thế hệ mới đã được ký kết, kế hoạch hành động logistics quốc gia đã được xây dựng và phê duyệt... tất cả chỉ còn chờ đợi vào mục tiêu hành động của các DN trong ngành.