Dấu ấn đẹp trong khởi nghiệp
Khởi nghiệp từ nông sản sạch | |
Khởi nghiệp tận dụng cơ hội thời 4.0 |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, để bứt phá thì phải sáng tạo, phải có tinh thần khởi nghiệp. Khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là động cơ chính để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Đây không chỉ là việc thành lập nhiều DN mới mà còn là đòi hỏi làm mới với tất cả các DN đang tồn tại. Đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo (hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả làm những việc cũ một cách sáng tạo hơn) là mệnh lệnh của kỷ nguyên số, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều dự án khởi nghiệp của các bạn sinh viên mang tính thực tiễn cao |
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hoạt động từ năm 2003 trên toàn quốc. Đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên triển khai dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực để khởi sự kinh doanh thành công”.
Do đó, các hoạt động khởi nghiệp được thực hiện đa dạng, tập trung vào đào tạo, huấn luyện, tư vấn. Cụ thể như: đào tạo giảng viên nguồn IoT, tập huấn và huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo các cố vấn/huấn luyện viên khởi nghiệp, tư vấn – hỗ trợ khởi nghiệp.
Đồng thời, Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã ra mắt hệ sinh thái khởi nghiệp với thành phần tham gia là các nhà đầu tư, các cố vấn, các huấn luyện viên, các giảng viên, các hub và vườn ươm, các doanh nghiệp hỗ trợ tăng tốc. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác để ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái của mình cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động khởi nghiệp quốc gia.
Cụ thể, ký kết hợp tác với SHB, Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là ký kết hợp tác với các doanh nghiệp chuyên đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội - BK Holdings, CTCP Tư vấn và Phát triển Khởi nghiệp - NSCI, tổ chức Sáng kiến cộng đồng cố vấn khởi nghiệp VMI (Vietnam Mentors Initiative).
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này được Ban tổ chức mời đến giao lưu, giảng dạy và huấn luyện nhằm giúp cho các doanh nhân, cố vấn/huấn luyện viên, giảng viên và doanh nghiệp khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ đào tạo, phát triển kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức cần thiết.
Ông Nguyễn Tuấn Hiệp, Giám đốc Vườn ươm BK Holdings chia sẻ, BK Holdings đóng vai trò đơn vị trung gian để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: “Chúng tôi thấy rằng tính liên kết khi xây dựng các chương trình phát triển hệ sinh thái là vô cùng quan trọng. Cụ thể, BK Holdings có một số hoạt động về đổi mới và xây dựng vườn ươm, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hệ sinh thái”.
Năm 2018, Cuộc thi Khởi nghiệp được tổ chức đã tạo dấu ấn khi có sự tham gia nhiệt tình của các bạn sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc và tiếp tục có sự thay đổi căn bản trong việc tiếp nhận bài tham dự, đó là chỉ nhận bài dự thi đạt giải ở cấp trường, cụm trường, khu vực đối với sinh viên, hoặc các dự án đang triển khai thực tiễn đối với thanh niên. Sau 9 tháng phát động, cuộc thi nhận được gần 250 dự án đạt giải cao của 37 trường đại học, 27 tỉnh thành được tuyển chọn từ các cuộc thi trên cả nước đã gửi về Ban tổ chức để tham dự vòng chung khảo toàn quốc.
Một số trường đại học quen thuộc nhiều năm nay đều gửi dự án tham gia như: Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Huế, Đại học Lạc Hồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Đại học Nông Lâm TP.HCM, Đại học Đại Nam, Đại học Thái Bình, Đại học Duy Tân, Đại học Đà Lạt, Đại học Tiền Giang, Đại học Đồng Tháp, Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên)…
Ban tổ chức đã ghi nhận sự nỗ lực của một số trường đại học và một số tỉnh thành miền núi lần đầu tiên tham dự vào mạng lưới Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia như: Đại học Xây dựng miền Tây, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Đồng Tháp, Đại học Sài Gòn, Đại học Cần Thơ…
Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Tuyên Quang, Lạng Sơn hay các tỉnh ở Tây Nguyên như tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng; hay như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Vĩnh Long) đã tổ chức sàng lọc các ý tưởng kinh doanh để gửi dự án hiệu quả về cho Ban tổ chức.
Một số dự án năm nay tập trung vào đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Cũng như những năm trước, các tác giả ở các trường khác nhau hay ở các khoa khác nhau đã mở rộng hợp tác liên kết cùng viết dự án nhằm phát huy thế mạnh của từng người ở những chuyên ngành đang theo học nhằm nâng cao chất lượng dự án: Nhóm tác giả của Đại học Sài Gòn kết hợp với Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM ở Dự án Hệ thống Du lịch Công nghệ khám phá TPHCM – TECHTOUR; Dự án SHub - Smart Campus của Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM kết hợp với Đại học Kinh tế Luật TPHCM; Dự án YoLife - Trung tâm dành cho người cao tuổi của Đại học Y Hà Nội kết hợp với Đại học Hà Nội.
Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc hệ thống Đào tạo lập trình viên Aptech cho biết, năm nay, tỷ lệ các dự án có tiềm năng và đã triển khai thực tế nhiều hơn. Tuy nhiên, chất lượng dự án hiện đang đi theo 2 cực khác nhau: đa phần dự án có tính khả thi thấp, chỉ dừng ở ý tưởng; còn lại là các dự án tiềm năng hoặc đã triển khai thực tế.
Đối với các dự án công nghệ, đây là năm đáng mừng vì đã có xuất hiện những dự án liên quan đến công nghệ 4.0 ví dụ như IoT. Việc xuất hiện những dự án này rất quan trọng, đánh dấu bước chuyển mới của Việt Nam về ứng dụng công nghệ 4.0.