Khởi nghiệp từ nông sản sạch
Nông sản sạch gian nan tìm đầu ra | |
Tăng tốc khởi nghiệp |
Trồng rau không cần... đất
Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp phát triển khá mạnh ở khu vực miền Trung. Điểm chung của các dự án khởi nghiệp này là hướng đến việc đưa ra thị trường những sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có thể thành công, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng vẫn rất cần những hỗ trợ của cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương.
Khởi nghiệp bằng trồng rau thủy canh đang được nhiều người thực hiện |
Quảng Nam là một trong những địa phương có phong trào khởi nghiệp phát triển ở miền Trung. Nhiều bạn trẻ ở đây đã quyết định chọn sản xuất các sản phẩm nông sản sạch để khởi nghiệp. Từ đó, nhiều mô hình đầu tư, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã ra đời trên địa bàn, góp phần tạo ra thực phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp sạch ở Quảng Nam, có thể kể đến mô hình trồng rau thủy canh của anh Hồ Công Thái, thị xã Điện Bàn. Trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, là mô hình còn khá mới mẻ tại Quảng Nam.
Bởi vậy, để tích lũy kinh nghiệm, phương pháp trồng rau thủy canh Hồ Công Thái đã phải mày mò tìm hiểu kỹ thuật, đi tham quan học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Đến nay, mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả, sản phẩm rau thủy canh của anh đã được người tiêu dùng đón nhận.
Tương tự, là mô hình trồng rau sạch của Bùi Thị Thanh Sương cũng ở thị xã Điện Bàn. Với hơn 1 nghìn m2 trồng rau theo phương pháp thủy canh, bước đầu Sương cũng gặp nhiều khó khăn từ kinh nghiệm sản xuất đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, đến nay trung bình mỗi ngày trang trại cung cấp ra thị trường 100kg rau, củ sạch các loại. Doanh thu mỗi tháng trên 50 triệu đồng...
Đặc biệt, khởi nghiệp thành công từ sản xuất nông sản sạch phải kể đến mô hình của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp đô thị H2O Farm Việt Nam. Anh Nguyễn Quốc Phong - Giám đốc công ty từng học ngành công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc cho một tập đoàn viễn thông lớn với mức lương khá cao.
Tuy nhiên, đam mê với làm nông sản sạch anh đã từ bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin, thu nhập ổn định, vốn là mơ ước của nhiều người. Bắt đầu từ năm 2016, anh Phong bắt tay trồng thử nghiệm những cây rau đầu tiên theo mô hình rau sạch nhà phố. Sau đó, anh đã đi đến nhiều nơi phát triển mô hình trồng rau sạch nhà phố như ở TP. Hồ Chí Minh hay Lâm Đồng.
Đến nay, mô hình trồng rau sạch nhà phố của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp đô thị H2O Farm Việt Nam đã được nhiều người dân địa phương biết đến. Doanh nghiệp đã và đang cung cấp giải pháp trồng rau sạch nhà phố cho nhiều khách hàng ở khu vực.
Theo đó, sau khi lắp đặt hàng tháng, nhân viên công ty sẽ đến nhà khách hàng cung cấp giống cây con, kiểm tra dinh dưỡng và bảo trì hệ thống định kỳ. Khách hàng chỉ việc thu hoạch rau và chăm sóc vườn rau của mình bằng cách tưới nhẹ, cung cấp thêm nước cho hệ thống.
Bên cạnh, là các dự án trồng rau thủy canh thương mại với diện tích lên đến hàng nghìn m2. Trước việc, diện tích đất để sản xuất nông sản sạch ngày càng thu hẹp như hiện nay, thì các mô hình khởi nghiệp bằng trồng rau thủy canh, theo nhiều người là một giải pháp hợp lý.
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Đặt trong bối cảnh, thực phẩm bẩn đang tràn lan như hiện nay việc nhiều bạn trẻ chọn hướng khởi nghiệp bằng nông sản sạch đã được nhiều người ủng hộ, khi cung cấp cho thị trường các sản phẩm thực phẩm an toàn. Bên cạnh, trực tiếp sản xuất sản phẩm nông sản sạch, một số mô hình khởi nghiệp ở Đà Nẵng hay Quảng Nam còn tìm cách đưa các sản phẩm ra thị trường một cách hiệu quả nhất.
Với lợi thế nắm bắt nhanh các công nghệ, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp chuyên cung ứng các sản phẩm nông sản sạch qua online. Với phương án kinh doanh này, sẽ không tốn nhiều chi phí quản lý kho bãi và mặt bằng, góp phần giảm giá thành sản phẩm, đưa các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng ở địa phương.
Thị trường tiêu thụ thực phẩm tại TP. Đà Nẵng rất tiềm năng, nhất là nhu cầu về tiêu thụ nông sản sạch. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, hàng năm toàn thành phố tiêu thụ khoảng 140 nghìn tấn rau củ quả. Nhưng, ngành nông nghiệp ở địa phương chỉ tự cung cấp được khoảng 10 nghìn tấn, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác và nước ngoài... Bởi vậy, đây là cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp với những mô hình nông sản sạch trên địa bàn thành phố cũng như địa phương lân cận.
Tuy có những cơ hội, song việc khởi nghiệp từ sản xuất rau sạch ở TP. Đà Nẵng hay Quảng Nam hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi lên là những khó khăn về kinh phí đầu tư ban đầu. Trên thị trường, khái niệm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được phổ biến. Các sản phẩm nông sản hữu cơ vẫn chưa được người tiêu dùng thực sự tin tưởng. Bên cạnh, sản phẩm nông sản sạch khó cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất theo truyền thống, do giá thành cao hơn.
Theo anh Nguyễn Văn Hòa, ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), thị trường nông sản sạch hiện rất tiềm năng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thì lại không hề đơn giản, giá thành cao hơn rau trồng theo phương pháp truyền thống nên rất khó cạnh tranh. Người tiêu dùng thì chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm nông sản sạch, nên việc xây dựng thương hiệu là vấn đề hết sức quan trọng để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Bởi vậy, để phát triển các mô hình khởi nghiệp từ nông sản sạch, ngoài đam mê của các bạn trẻ, vẫn rất cần những hỗ trợ của các cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương. Trong đó, tập trung vào vấn đề vốn để khởi nghiệp và ổn định đầu ra cho sản phẩm trên thị trường.