Đầu tư dàn trải: Phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ |
Lo lắng trước việc ngân sách Nhà nước (NSNN) khó khăn nhưng một số địa phương lại đề xuất xây trụ sở, trung tâm hành chính nghìn tỷ đồng, đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết, cấp bách, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện.
Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng bên hành lang Quốc hội, ông Thụ cũng cho rằng phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.
Ông nhìn nhận thế nào về hiện trạng một số tỉnh xin đầu tư xây dựng trụ trở, trung tâm hành chính nghìn tỷ đồng?
Trong Nghị quyết những năm gần đây và đặc biệt trong năm 2015, Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua yêu cầu kiên quyết thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết, cấp bách; các khoản chi kém hiệu quả, lãng phí; xây dựng trụ sở, tượng đài hay chi khánh tiết lễ hội; mua sắm ô tô và quản lý sử dụng xe công…
Tất cả các khoản chưa thật cần thiết đều phải cắt giảm. Người đứng đầu trong quản lý điều hành ngân sách phải chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng ngân sách theo phân cấp.
Gần đây, nhiều tỉnh đề xuất xây dựng trụ sở, trung tâm hành chính rất lớn. Qua xem xét, các dự án có giá trị đầu tư ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng phải nói các dự án này là tổng hợp nhiều hạng mục công trình cấu thành, ở nhiều tỉnh gồm cả cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, trong đó có phần xây dựng trung tâm hành chính.
Nhưng hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay cần quán triệt tinh thần tiết kiệm, nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng phải sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những gì thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trực tiếp liên quan tới đời sống nhân dân, còn lại mới ưu tiên đầu tư lĩnh vực khác.
Tôi được biết các dự án đầu tư xây dựng trung tâm hành chính theo phân cấp thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, căn cứ vào phân cấp ngân sách để bố trí nguồn. Nhưng qua xem xét các dự án thì ở một số tỉnh, ngân sách địa phương chỉ có một phần còn phần lớn xin trợ cấp từ ngân sách Trung ương.
Trong điều kiện như vậy, tôi đề nghị phải xem xét, hết sức thận trọng, mặc dù dự án này do cơ chế phân cấp thì địa phương lập và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ là chấp thuận về chủ trương đầu tư dài hạn… Ví dụ, dự án tại Hải Phòng đã duyệt cách đây 6 năm và đầu tư cho đến 2020, tầm nhìn 2030, không có nghĩa phải làm ngay.
Chủ trương tôi cho là đúng, nhưng thời điểm thì phải căn cứ bối cảnh hiện nay, vài năm tới cân đối NSNN căng thẳng, áp lực tăng nợ công, bội chi rất lớn nên phải tăng cường quản lý, xác định thời điểm quy mô cơ cấu nguồn vốn đầu tư như thế nào cho hợp lý để đảm bảo an ninh tài chính…
Các địa phương cho biết, để thu xếp nguồn vốn có thể bán đất, đổi đất… Như vậy có đủ thuyết phục?
Theo Luật Đầu tư công và trước là Chỉ thị 1792 CT-TTg, khi khởi công dự án đầu tư công mới thì phải đảm bảo về nguồn vốn. Việc các địa phương quyết định đầu tư trung tâm hành chính và có nguồn vốn, nhưng đó chỉ là một điều kiện. Quan trọng hơn để quyết định triển khai dự án không chỉ là nguồn vốn mà hơn lúc nào hết, phải căn cứ hiệu quả và tính cấp bách của vấn đề. Đối với nước ta là nước kém phát triển, nhu cầu đầu tư lớn trong khi nguồn lực tài chính hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh nợ công cao, bội chi lớn, cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên.
Hơn lúc nào hết, ưu tiên số một là đầu tư Nhà nước phải là nguồn vốn mồi để thu hút nguồn vốn trong xã hội. Đầu tư Nhà nước phải thật sự đóng vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó giúp đời sống người dân được cải thiện, NSNN được cải thiện…
Và trong bối cảnh chúng ta phát triển kinh tế thị trường dẫn đến phân hóa, một bộ phận rất lớn người dân có thu nhập còn thấp, đời sống không ổn định, hơn lúc nào hết trách nhiệm của Nhà nước là phải quan tâm đến cải thiện đời sống nhân dân, chú trọng đến an sinh xã hội. Những vấn đề đó phải được ưu tiên xếp vị trí thích đáng. Các vấn đề khác, tuy là cần thiết, phải cân nhắc thời điểm đầu tư để có lộ trình đầu tư phù hợp.
Ở một góc độ khác, dư luận còn tỏ ra bức xúc vì đề xuất xây dựng trụ sở hoành tráng nhưng thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều?
Tôi cho rằng hai vấn đề trên là có liên quan nhưng khác nhau. Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề khác, việc đầu tư xây dựng những thứ chưa thật cần thiết là vấn đề khác. Hiện nay, chúng ta phải thực hiện tài khóa thắt chặt, đầu tư phải “ra tấm ra món”, có hiệu quả. Đó phải là đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Về cải cách hành chính những năm gần đây, đặc biệt là 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và tạo ra đột phá về hành chính thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào quy trình còn hết sức rườm rà và nhiều quy định chưa minh bạch. Đứng trước yêu cầu giải phóng nguồn lực cho phát triển, đổi mới đất nước, và trước quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, cải cách hành chính phải là nhiệm vụ trọng tâm. Cải cách thể chế, cải cách hành chính trong 2016 phải là đột phát để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến rằng, Chính phủ cần có tổng kết báo cáo Quốc hội về đầu tư xây dựng tượng đài và trụ sở hành chính. Quan điểm của ông thế nào?
Vấn đề này đã quá rõ ràng. Trong bối cảnh cân đối NSNN khó khăn, nợ công cao, an ninh tài chính bị đe dọa nên lúc nào cũng phải thực hiện chính sách tài khóa tiết kiệm. Đặc biệt, các khoản chi chưa cần thiết, cấp bách thì nên dừng lại. Vấn đề phải tổng kết thì đã rõ, mọi đại biểu đều thấy rõ vấn đề là phải làm và quyết liệt hơn, và phải xác định trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong việc tổ chức thực thi.
Mấy năm gần đây, vấn đề hạn chế đầu tư dàn trải, tăng cường quản lý đầu tư theo Luật Đầu tư công, hạn chế việc đầu tư dự án chưa cấp bách… đã được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, thể chế hóa trong Luật Đầu tư công. Vấn đề còn lại là thực hiện, trách nhiệm của người đứng đầu… Vì sao văn bản có, quy định có, nhưng vấn đề này còn tồn tại, chưa được ngăn chặn?
Vậy trong 5 năm tới còn có chuyện lấy thuế của người dân xây trụ sở hành chính không?
Đầu tư trung tâm hành chính, tượng đài… là nhiệm vụ Nhà nước phải đầu tư. Nhưng vấn đề là đầu tư khi nào cho thích hợp thì cần phải tính toán. Nhiệm vụ của Nhà nước thì phải đầu tư từ NSNN, rõ ràng là phải từ thuế và phí và một phần từ nguồn bội chi cho phép, tức là nguồn vốn vay. Tiền bán đất để đầu tư dự án thì đó là nguồn thu của NSNN, được giao lại cho chính quyền địa phương để lấy nguồn thu thực hiện các dự án… Như vậy cũng là từ tiền ngân sách mà ra.
Xin cảm ơn ông!