Đẩy mạnh chăn nuôi sinh học
Tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tổng số lợn tiêu hủy 5,6 triệu con, với tổng sản lượng hơn 320.000 tấn, gây thiệt hại, làm giảm 8,3% tổng sản lượng thịt lợn cả nước. Đáng mừng là đến thời điểm này có 10 tỉnh, thành phố đã đủ điều kiện công bố hết dịch, theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT).
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, nhằm bù đắp phần nào lượng thịt lợn thiếu hụt, ngay từ đầu năm, song song với kiểm soát dịch bệnh trên đàn lợn, ngành nông nghiệp đã kịp thời chỉ đạo tập trung phát triển các sản phẩm như gia cầm, đại gia súc, thủy sản. Cụ thể, thịt trâu tăng 3,1%; thịt bò tăng 4,2%; thịt gia cầm tăng 13,5%; trứng tăng 10%; thuỷ sản tăng 6,5%; thịt lợn giảm 9%. Dù cuối năm và đầu năm là thời điểm tiêu thụ cao nhất nhưng về tổng quan thị trường sẽ không thiếu nguồn thực phẩm và chúng ta đang có cơ hội tái đàn tốt. Cùng với các sản phẩm khác đủ cung ứng nguồn thực phẩm sẽ giúp bình ổn giá và không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng cuối năm. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi và bảo vệ đàn lợn là tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững.
Đặc biệt, những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 là mùa dịch có thể sẽ diễn biến phức tạp: do thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi; việc gia tăng đàn vật nuôi, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật tăng mạnh nên nguy cơ các loại dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng trong thời gian tới là rất cao.
Những thách thức với ngành chăn nuôi vẫn rất lớn: Chăn nuôi tập trung chủ yếu tại khu vực đồng bằng, đông dân cư. Biến đổi khí hậu cực đoan, nhanh chóng và gây tổn thương lớn, có tác động trực tiếp đến người nông dân và ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.
Một tín hiệu vui khác là trong khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả lợn châu Phi, như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, Amavet, Phân viện Chăn nuôi phía Nam… vì mô hình này đã hình thành liên kết chăn nuôi theo một chuỗi khép kín từ các nguyên liệu đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y....) cho đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ sản phẩm (giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm). Đồng thời, hình thức này còn liên kết được các doanh nghiệp, công ty sản xuất chăn nuôi vừa và lớn (liên kết dọc), sẽ cho ra những sản phẩm chẳng những truy xuất rõ được nguồn gốc, còn đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tối ưu.
Nếu như năm 2016 cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, với tổng đầu con trên 2,1 triệu con. Thì đến nay, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, với tổng đầu con là trên 2,82 triệu con. Con số trên minh chứng rằng, xu hướng số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn… được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng. Điều đó chứng tỏ rằng, với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ, nếu như năm 2016 cả nước có gần 29 nghìn hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm tỷ lệ 10%. Hiện tại, số hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước giảm xuống còn xấp xỉ 28 nghìn hộ. Tuy số lượng hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học có giảm, song tỷ lệ hộ chăn nuôi và tỷ lệ tổng đàn lợn vẫn ổn định và đang có biểu hiện tăng nhẹ, phù hợp với xu thế là số lượng hộ chăn nuôi ngày càng thu hẹp thì quy mô chăn nuôi ngày càng tăng lên. Chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có điểm dừng trên phạm vi cả nước.