Để nâng cao hiệu quả tín dụng ưu đãi
Tại Tọa đàm “Vốn cho đồng bào DTTS” do NHCSXH và báo Đại biểu nhân dân phối hợp tổ chức mới đây, các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo NHCSXH đã khẳng định sự hiệu quả của tín dụng ưu đãi với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời đưa ra kiến nghị để giúp các hộ vay vốn vùng đồng bào DTTS sử dụng vốn sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn nữa. Sau đây là một số ý kiến đại biểu do phóng viên Thời báo Ngân hàng ghi lại tại buổi tọa đàm.
Chính sách tín dụng đã góp phần tạo nên sự thay đổi căn bản trong đời sống của đồng bào nghèo |
Ông Nguyễn Lâm Thành -Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Nên xem xét, điều chỉnh chính sách với đồng bào DTTS
Theo báo cáo của NHCSXH thì hiện có tới 20 chính sách mà đồng bào DTTS và đồng bào nghèo có thể được thụ hưởng. Và qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, hộ nghèo có thể hưởng lợi từ ít nhất là 10 chính sách liên quan ở tất cả các lĩnh vực. Đây là một chủ trương đúng đặt ra mục tiêu và kỳ vọng lớn cho sự phát triển.
Thứ nhất, chính sách tín dụng đã phủ được hết các vùng và bao quát được các đối tượng, hộ nghèo tiếp cận với chính sách, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ở các mức độ khác nhau, có những hộ tiếp cận tới 5 - 6 dòng vốn phục vụ cho mục tiêu cải thiện đời sống gia đình.
Thứ hai, chúng tôi thấy trong quá trình tổ chức thực hiện đã được các bộ ngành, NHCSXH phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, cấp chính quyền địa phương và cơ sở đã hình thành mạng lưới trong việc triển khai các hoạt động tín dụng cho người dân. Có thể nói đây là một chính sách được triển khai đồng bộ, mang tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương.
Thứ ba, mặc dù vốn cho đồng bào DTTS hiện nay hơn 43 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ của NHCSXH nhưng tỷ lệ thu nợ chúng ta rất cao, nợ xấu thấp so với một số nguồn tín dụng khác. Điều đó chứng tỏ bà con nghiêm túc trong việc trả nợ, chứng minh hiệu quả của chính sách đang thực hiện.Thứ tư,thông qua chính sách tín dụng đã góp phần tạo nên sự thay đổi căn bản trong đời sống của đồng bào nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn những thách thức đang đặt ra như số lượng chính sách khá nhiều, riêng đồng bào dân tộc có đến 10 chính sách liên quan, chưa kể các chính sách gián tiếp. Điều này làm chính sách bị phân tán, nguồn lực định mức thấp đi và chúng ta phải xem xét cơ cấu lại. Hiện nay chính sách đang áp dụng chung cho tất cả các vùng miền nên tôi nghĩ không phù hợp. Bởi vậy, chúng ta cần có cách xử lý cho từng vùng miền khác nhau. Đó là những vấn đề mà chúng ta cần xem xét, điều chỉnh trong giai đoạn tới.
Ông Tống Thanh Bình – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu: Nhận thức của hộ nghèo DTTS đã thay đổi tích cực
Đến hết tháng 3/2018, hoạt động tín dụng của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lai Châu đã thực hiện cho vay đối với 13 chương trình, dư nợ đạt trên 1.800 tỷ đồng, với 48.874 khách hàng còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm khoảng 0,3%. Và 100% các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh đều được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi. Nguồn vốn cho vay đối với hộ đồng bào DTTS giúp họ chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mua máy móc và công cụ sản xuất, các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, tạo việc làm mới, xây dựng nhà mới…
Qua thực hiện cho thấy, vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống, góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 5 - 7%, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng của địa phương.
Về vai trò cụ thể của vốn tín dụng đối với giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, tôi xin đánh giá với 2 nội dung:
Về tác động nhận thức, qua vận động, đẩy mạnh tuyên truyền và quá trình triển khai thực hiện cho thấy, nhận thức của các hộ nghèo đã có sự thay đổi tích cực, đã biết sử dụng nguồn vốn vay, tính toán hiệu quả hoạt động sản xuất trong phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm dần tính trông chờ ỷ lại, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Về phát triển kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống, nguồn vốn tín dụng chính sách đã bổ sung nguồn lực hỗ trợ địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Cụ thể như, phát triển các mô hình sản xuất tập trung như chăn nuôi đại gia súc, trồng trọt và bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm chênh lệch trong phát triển vùng DTTS với các vùng khác.
Ông Nguyễn Văn Lý – Phó tổng giám đốc NHCSXH: NHCSXH thường xuyên ưu tiên vốn
Khi tôi đến công tác một số tỉnh, địa phương, thấy đồng bào dân tộc hồ hởi khi vốn đã đi vào đời sống của họ. Người dân cho rằng, nhờ nguồn vốn này đã giúp cải thiện cuộc sống. Những người vay vốn, người công tác ở cơ sở họ cũng cảm ơn Chính phủ vì vốn cho đồng bào đa chiều và tác động kép.
Mặc dù chúng ta quan tâm nhiều chương trình trong đó có tín dụng chính sách để giúp cho họ có vốn cải thiện cuộc sống thoát nghèo nhưng tốc độ thoát nghèo ở vùng đồng bào DTTS bao giờ cũng chậm hơn các khu vực khác. Nguyên nhân là do khu vực đồng bào DTTS nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, tiêu thụ sản phẩm khó.
Do đó, cán bộ cơ sở cho rằng, sự ưu tiên của Chính phủ chưa bù được khó khăn của khu vực đồng bào DTTS. Để giảm khoảng cách ở khu vực này với các khu vực miền xuôi thì nên chăng có tư duy, phương pháp, giải pháp đột phá hơn. Đi kèm với đó nhiều nơi cho rằng, không nên cho không mà nên tập trung cho đầu tư an sinh chung: đường sá, nhà trẻ, đầu tư tín dụng để phát triển sinh kế, tạo bước phát triển đột phá.
Hiện nay, NHCSXH hạn mức cho vay áp dụng hộ cận nghèo, hộ nghèo tối đa 50 triệu đồng. Tôi cho rằng, nên nghiên cứu mức cho vay thêm. Đi kèm với đồng bào DTTS cần có hướng dẫn làm ăn, “cầm tay chỉ việc”. Ngoài ra, cần tìm mọi cách kết nối cho họ tiêu thụ được sản phẩm. Ngoài ra, đồng bào DTTS học vấn thường thấp, cần có đột phá, có chương trình đầu tư giáo dục riêng cho họ.
Thời gian tới, NHCSXH sẽ thường xuyên quan tâm ưu tiên vốn cho vùng đồng bào DTTS nghèo. Giao dịch của người dân đều nằm tại xã và có một số hoạt động thực hiện tại nhà gồm trả lãi và thực hành tiết kiệm. Ví dụ cho vay mua một con trâu, sau 3 năm bán trâu trả nợ coi như thất bại. Chúng tôi đi theo mô hình giúp cho họ thực hành tiết kiệm để vay trâu nhưng lại dùng gà, vịt… bán trả nợ dần để 3 năm sau thì trâu là của họ. Đây chính là căn cứ giảm nghèo bền vững cho đồng bào.
Ông Rơ Mah Tuân – ĐBQH tỉnh Gia Lai: Phong tục của đồng bào ảnh hưởng rất lớn đến xóa nghèo
Hiện nay tôi được biết NHCSXH Gia Lai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có 12 chương trình tín dụng có đối tượng là đồng bào DTTS thụ hưởng và có 3 chính sách tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS. Với kết quả dư nợ các chương trình chính sách tín dụng tính đến cuối tháng 4/2018 đạt trên 4.000 tỷ đồng và với hơn 140.000 hộ vay, trong đó dư nợ người DTTS chiếm 50% trong số vay này. Nhiều hộ DTTS vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng chính sách, đã góp phần giải quyết những vấn đề căn bản nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch, hỗ trợ kinh phí học tập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có thể nói vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cũng như tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần vào công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 3 - 4%/ năm…
Năm 2003, vợ chồng tôi cũng được vay từ chính sách ưu đãi này. Là người trong cuộc, tôi thấy có những khó khăn như: về khách quan, DTTS sống ở khu vực không có điều kiện, khí hậu thời tiết, thiên tai, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, chăn nuôi của bà con. Ví dụ, các khu vực vùng biên, vùng đặc biệt khó khăn, biến đổi khí hậu, nước cho người còn không có nữa là cho trâu, bò uống.
Trong khi đó, các nguồn vốn cho vay chủ yếu để đồng bào phát triển chăn nuôi là chủ yếu… Về chủ quan, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thực tế còn rất thấp. Thực tế có câu chuyện, đồng bào vay vốn nhưng không dám tiêu, trình độ dân trí ảnh hưởng trực tiếp đến việc sắp xếp sản xuất. Bên cạnh đó, phong tục tập quán của đồng bào cũng ảnh hưởng rất lớn đến xóa đói giảm nghèo.