Để rút dần khoảng cách mất cân đối thu – chi
TS. Nguyễn Đức Kiên |
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, tình trạng mất cân đối thu chi, điều hành chi vượt dự toán xảy ra gần đây ở một số địa phương như Bạc Liêu, Cà Mau không phải là cá biệt. Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Kiên chỉ ra rằng đây là căn bệnh đã phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước.
Xin ông lý giải cho việc một số địa phương gần đây rơi vào tình trạng vỡ ngân sách và phải chờ cấp trên bổ sung?
Chuyện ngân sách đã được duyệt mà chi không đủ, hết tiền tiêu là bình thường, chỉ là trước có được đưa ra hay không. Không thể đòi hỏi cả nền kinh tế có bội chi mà đơn vị ngân sách cấp 2 lại không được bội chi. Ở đây vấn đề là kỷ luật ngân sách của chúng ta không nghiêm, một là do chúng ta lập dự toán chi ngân sách không đúng, hai là chúng ta quản lý chi không nghiêm.
Công tác lập dự toán thu và chi của chúng ta chưa nhịp nhàng, chưa phối hợp được với nhau, dự toán chi một đằng, thu một nẻo, thiếu bao nhiêu thì đề nghị cấp trên bổ sung. Đây là lỗi hệ thống, căn bệnh lặp lại giữa các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu hoặc rất nhiều tỉnh khác. Trường hợp Cà Mau đang là tỉnh có nguồn thu tốt từ trung tâm nhiệt điện và nhà máy đạm Cà Mau, cho nên nói tỉnh (ngân sách cấp 1) thiếu để không cấp được cho thành phố (ngân sách cấp 2) thì không chính xác.
Vấn đề là ở phía chi. Năm 2015 chênh lệch thu chi dự báo TP. Cà Mau cỡ 100 tỷ đồng. Điều này phản ánh đầu tiên là các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước vẫn chưa chuyển sang được cơ chế thị trường, chúng ta vẫn chi ngân sách như nền kinh tế kế hoạch hoá, thiếu thì trung ương phải bù mà địa phương không làm tăng thu lên.
Việc này xuất phát từ thói quen dựng lên kế hoạch không căn cứ nguồn thu, đề ra chi tiêu ngân sách theo ý muốn chủ quan chứ không theo thực tế, mà ở nước nghèo như Việt Nam thì cái gì cũng cần chi, chi cái gì cũng hợp lý cả. Trong khi 63 tỉnh thành cả nước chỉ có hơn 10 tỉnh nộp nguồn thu về ngân sách trung ương, còn lại đợi trung ương cấp xuống, thì ngân sách hụt là tất yếu.
Đó là từ phía chi, vậy còn từ phía thu ngân sách thì sao thưa ông?
Ở đây có nguyên nhân từ dự toán thu chưa chuẩn. Chẳng hạn có tỉnh khi tính toán bán được quyền sử dụng đất sẽ thu về cỡ 200 - 300 tỷ đồng/năm. Nhưng mấy năm vừa rồi giá đất không cao nữa, nguồn thu không đạt như dự toán nữa, gây hụt thu làm ngân sách khó khăn. Trong khi đó, các địa phương vẫn triển khai các dự án an sinh xã hội khác cho nên ngân sách bị hụt. Rồi kể cả các dự án đầu tư dùng tiền ngân sách, theo tính toán rất tốt nhưng thực tế lại không như chúng ta mong muốn, và nó quay trở lại ảnh hưởng đến nguồn thu.
Ví dụ dự án cải tạo chợ Mơ của Hà Nội chẳng hạn. Mục tiêu là xây dựng để trở thành trung tâm thương mại hiện đại, thì chúng ta chỉ tạo được nguồn thu ban đầu từ việc xây dựng nhà ở tại toà bên cạnh. Còn hoạt động buôn bán bị ảnh hưởng, số lượng các tiểu thương kinh doanh ở chợ thời gian qua đã co hẹp lại… Như vậy nguồn thu trực tiếp của địa phương nơi đặt chợ cũng hụt so với tính toán.
Công tác lập dự toán thu và chi của chúng ta chưa nhịp nhàng, chưa phối hợp tốt với nhau |
Phải chăng do phân cấp ngân sách hiện nay của chúng ta đang có vấn đề, vì vậy câu chuyện mất cân đối ngân sách đã lan ra trên diện rộng như vậy?
Với phân cấp ngân sách, hiện nay nếu thực hiện tốt kỷ luận ngân sách thì sẽ không gặp phải tình trạng như Cà Mau, Bạc Liêu. Ở đây cần xét về yếu tố tác động cơ bản đến ngân sách là quy hoạch kinh tế - xã hội chưa chuẩn, tư duy của chúng ta về đảm bảo an sinh xã hội là không đúng.
Lấy ví dụ đối với một tỉnh như Hà Giang chẳng hạn, 2 lần liền Hà Giang chi vượt ngân sách rất lớn. Trước đó vào những năm 2000, Hà Giang đã một lần phải trông vào trung ương hỗ trợ để xử lý nợ xây dựng cơ bản. Sau 10 năm thì Hà Giang lại lặp lại đúng căn bệnh này, khi số nợ lớn gấp 3 lần số thu trên địa bàn.
Phải nhìn nhận rằng nhu cầu xây những đường to, kéo đường điện lên cho các huyện, xã vùng sâu của Hà Giang là chính đáng. Nhưng nó không hợp lý bởi vì chúng ta không xác định được mô hình phát triển kinh tế của Hà Giang đi lên là nhờ cái gì. Nếu chúng ta không thực hiện được quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thì dù Hà Giang có nợ gấp 3-4 lần số nợ như hiện nay trong tương lai cũng không giải quyết được vấn đề cân bằng thu chi của tỉnh này.
Ví dụ như làm đường giao thông đến thôn bản của Hà Giang phải căn cứ đặc thù địa phương là nơi đa số đồng bào người Mông sống quen với văn hoá, phong tục tập quán riêng của họ, mỗi bản chỉ có khoảng 9-10 gia đình. Vậy cứ kéo đường điện, làm đường giao thông nông thôn 3,5 m đến từng hộ đó thì không có ngân sách nào có thể đáp ứng nổi.
Cho nên vấn đề với ngân sách Hà Giang là phải tiến hành xây dựng nông thôn mới, vận động bà con người Mông định cư, tập trung thành cụm dân cư để có thể giảm chi phí đầu tư hạ tầng. Để xử lý ngân sách đòi hỏi cả hệ thống phải hoạt động đồng bộ, và trước hết phải có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội một cách khoa học và thực tế chứ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của ai cả.
Như vậy, có thể nói rằng tình trạng “vung tay, quá trán” vừa qua cũng rất ảnh hưởng tới vấn đề mất cân đối thu chi, thưa ông?
Đúng vậy, rõ ràng là có nhiều công trình tính cấp bách chưa đến mức độ phải thực hiện ngay như vậy. Song từ trước tới nay nhiều địa phương biện minh cho việc không chấp hành kỷ luật ngân sách, rằng đây là những công trình cấp bách để nâng cao đời sống người dân, mà quên mất khả năng cân đối. Như thế thì đời cha vay để tiêu và đời con phải trả nợ.
Những biểu hiện vừa qua, theo tôi có khi lại là tín hiệu tích cực gióng lên hồi chuông cảnh báo, kể cả các đơn vị chi tiêu ngân sách cấp 2 cũng phải tiết kiệm để đảm bảo chi phù hợp thu của địa phương. Đây cũng là tín hiệu cảnh báo sớm để chúng ta bình tĩnh xem xét lại việc lập dự toán thu chi, nhằm tiến tới theo đúng quy luật kinh tế thị trường, là chỉ được chi khi có dự toán được duyệt và không được chi vượt dự toán.
Xin cảm ơn ông!