Chỉ thị số 40- CT/TW: Nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân (Bài 2)
Bài 2: Hiệu quả thiết thực từ Chỉ thị số 40-CT/TW
Đưa chính sách vào cuộc sống
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu xác định rõ, tín dụng chính sách xã hội của Ban Bí thư Trung ương Đảng là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với tỉnh biên giới như Lai Châu.
Vì vậy, Tỉnh ủy Lai Châu đã tích cực lãnh, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và các văn bản có liên quan đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/2022/NQ-HĐND ngày 20/9/2022 quy định hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh, cấp huyện trình HĐND cùng cấp xem xét quyết định phương án phân bổ kinh phí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn theo phân cấp hiện hành. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 754/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 quy định hàng năm, thực hiện giao dự toán kinh phí để bổ sung quỹ cho người nghèo và đối tượng chính sách vay với số tiền khoảng 15 tỷ đồng/năm đối với ngân sách tỉnh; 01 tỷ đồng/năm đối với ngân sách cấp huyện.
Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu giải ngân nguồn vốn cho người dân |
Cùng với nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện Tam Đường là một địa phương đã thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, Huyện ủy Tam Đường đã chỉ đạo huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu; chỉ đạo UBND huyện dành một phần ngân sách địa phương hàng năm để bổ sung nguồn vốn; lũy kế từ năm 2014 đến ngày 30/6/2024, ngân sách huyện ủy thác sang phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đường đạt 7.957 triệu đồng.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Tam Đường đạt 530.496 triệu đồng (tăng 363.582 triệu đồng so với năm 2014); tổng số tiền đã giải ngân đạt 1.065.632 triệu đồng cho 26.361 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu triển khai đến đúng các đối tượng chính sách, đã giải ngân cho 179.762 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền 7.690.010 triệu đồng. Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp cho 35.981 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 21.826 lao động được tạo việc làm, hỗ trợ xây dựng 69.171 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 3.209 căn nhà được xây dựng mới và cải tạo sửa chữa với tổng số tiền 365.583 triệu...
Việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, góp phần ngăn chặn "tín dụng đen" ở khu vực nông thôn và góp phần tích cực vào việc tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tại địa phương. Đặc biệt, là thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giai đoạn 2014 - 2024, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu trung bình đạt 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm 4,7%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Toàn tỉnh Lai Châu có 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,9 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 47 triệu đồng...
Tam Đường là một trong những huyện trên địa bàn tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, góp phần giúp hơn 7.184 lượt hộ gia đình thoát nghèo, tạo việc làm cho 2.501 lao động, hỗ trợ xây dựng 2.842 công trình nước sạch và 2.949 công trình nhà vệ sinh, xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 219 căn nhà với tổng số tiền 30.347 triệu đồng. Từ kết quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện, bình quân đạt 5-6%/năm. Ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết thêm.
Cùng với các huyện, thành phố, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội. Xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là một đơn vị điển hình. Đây là xã thuộc vùng khó khăn của huyện Sìn Hồ, cách trung tâm huyện 100 km, giao thông đi lại không thuận tiện. Nhưng lại là một trong những xã sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Tính đến ngày 30/6/2024, xã Nậm Cuổi đã triển khai cho vay 9 chương trình tín dụng chính sách xã hội với tổng dư nợ đạt trên 41 tỷ đồng cho 639 hộ, chiếm 71,4% tổng số hộ của xã. Từ nguồn vốn đã giúp hơn 300 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, không còn hộ đói; 100% hộ dân ổn định sản xuất kinh doanh tại chỗ; 626 hộ có vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động; 308 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới. Nhiều hộ đã có tích lũy để trả nợ vốn vay và tạo lập vốn tự có, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm Cuổi giảm từ 5% trở lên.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội” đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Với những kết quả đạt được có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội đã đi vào lòng dân và thực sự mang lại hiệu quả cho Nhân dân tỉnh Lai Châu. Chỉ thị số 40-CT/TW chính là cầu nối ý Đảng - lòng dân, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng - Nhân dân - Chính quyền trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, vững mạnh về mọi mặt.