Để “sao” thực sự sáng
Ai về Non nước thì về… | |
Để du lịch trở thành ngành mũi nhọn | |
Du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng |
Theo dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) sắp trình Quốc hội thông qua, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và các loại cơ sở lưu trú khác được xếp theo hai hạng: cao cấp và đạt tiêu chuẩn. Theo đó, khách sạn, làng du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và tàu thuỷ lưu trú du lịch được xếp theo 5 hạng: 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao, 5 sao. Đáng lưu ý, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và các loại cơ sở lưu trú khác được xếp theo hai hạng: cao cấp và đạt tiêu chuẩn.
Cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng thống nhất trong phạm vi cả nước theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố |
Cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng thống nhất trong phạm vi cả nước theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 1 đến 2 sao. Tổng cục Du lịch tiếp nhận hồ sơ đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 3 đến 5 sao.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, mục tiêu của thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch là bảo đảm khách du lịch được sử dụng dịch vụ lưu trú du lịch có chất lượng và đúng giá trị của loại, hạng dịch vụ. Tại các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch phải được thẩm định xếp hạng đúng với thực trạng của cơ sở vật chất và dịch vụ được bán đúng giá.
Thế nhưng, điều làm nhiều người băn khoăn lại chính là quy định (tại dự thảo Luật Du lịch sửa đổi) về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo hai phương án: Phương án 1- quy định đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện; Phương án 2- quy định đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc bắt buộc, đặt tất cả các cơ sở lưu trú (Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch) vào diện quản lý xếp hạng. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các nhà nghỉ, khách sạn sẽ phải đăng ký xếp hạng.
Có khá nhiều tranh cãi xung quanh quy định này của dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc xếp hạng cơ sở lưu trú cần thực hiện bắt buộc để các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, nhằm ngăn chặn tình trạng mạo nhận và lộn xộn thị trường, giúp khách dễ dàng tìm hiểu về chất lượng, coi trọng quyền lợi của khách du lịch. Song, cũng có không ít ý kiến phản đối cho rằng, việc xếp hạng cơ sở lưu trú nên theo phương thức tự nguyện để giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để tránh tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của khách du lịch, cơ quan quản lý cần đưa ra quy định tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ đối với các cơ sở lưu trú du lịch.
Dưới cái nhìn của người kinh doanh cơ sở lưu trú, anh Bùi Xuân Bằng (Hà Nội) chia sẻ, các nhà làm luật nên để cho các hộ kinh doanh dịch vụ tự quyết định đăng ký xếp hạng hay không xếp hạng bởi việc này phụ thuộc khá nhiều vào đối tượng khách hàng của doanh nghiệp. Nếu phục vụ tour thì việc xếp hạng phòng là điều đương nhiên bởi nhiều tour yêu cầu cấp độ nhà nghỉ, khách sạn theo chuẩn. Thế nhưng, chỉ để phục vụ khách nghỉ bình dân thì việc xếp hạng lại gây lãng phí không cần thiết. Theo tôi, các cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra những bộ tiêu chí chuẩn để những người kinh doanh có thể căn cứ vào đó định hướng quản lý, xây dựng chuỗi nhà nghỉ khách sạn theo chuẩn “sao” phù hợp với định hướng kinh doanh đó là đủ.
Bên cạnh việc ban hành bộ tiêu chuẩn “sao”, thì việc cần thiết và quan trọng hơn rất nhiều là việc “hậu kiểm”, thanh tra, giám sát việc thực hiện đúng quy chuẩn tại cơ sở lưu trú. Có chế tài để xử phạt mạnh, đủ sức răn đe với những cơ sở kinh doanh dịch vụ quảng cáo sai quy chuẩn, điều này thực chất và quan trọng hơn nhiều so với quy định phải đăng ký xếp hạng. Bởi thực tế, nhiều cơ sở lưu trú xếp hạng xong, buông lỏng quản lý, chất lượng dịch vụ xuống cấp, trang thiết bị xuống cấp… không còn đạt chuẩn nhưng vẫn núp bóng “sao” để kinh doanh gây mất uy tín và ảnh hưởng đến chất lượng của du lịch Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Có thể thấy “bắt buộc” hay “tự nguyện” không phải là điều mấu chốt, việc quan trọng hơn vẫn là đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn và công tác hậu kiểm nghiêm túc, công minh đối với các khu lưu trú. Thực tế cho thấy, nhiều khu lưu trú “không” sao vẫn thu hút được khá đông khách đến nghỉ dưỡng, tham quan và ngược lại, nhiều nơi gắn nhiều “sao” vẫn không có khách đoái hoài.