Du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng
Ảnh minh họa |
Những năm gần đây, ngành “công nghiệp không khói” ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có những chuyển mình nhanh chóng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế ở từng địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung ngành du lịch ở miền Trung - Tây Nguyên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, kỳ vọng, đặc biệt là việc chưa xây dựng được những thương hiệu chung, mang tính kết nối vùng...
Mới đây, tại diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại TP. Tam Kỳ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành du lịch trong khu vực đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước.
Theo ông Biên, đây là một trong những địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, nhiều điểm đến du lịch tiếp tục được vinh danh tầm thế giới. Một số điểm đến nổi bật trong khu vực như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né hay Đà Lạt… tiếp tục thu hút được nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Bên cạnh, các điểm đến mới nổi Quảng Bình, Quy Nhơn, Phú Yên... đã và đang dần khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Trên thực tế, mặc dù có nhiều tiềm năng song việc phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên nhìn chung còn gặp nhiều hạn chế. Tại diễn đàn, PGS-TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã cho rằng, tiềm năng du lịch ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn lớn nhưng chưa tận dụng tốt.
Đặc biệt, nhiều cơ sở cho sự phát triển bền vững, định hướng đẳng cấp cao đã và đang bị xói lở, hủy hoại như vấn đề sạt lở bờ biển, di sản văn hóa bị xâm hại... Các địa phương thiếu định hướng chiến lược phát triển du lịch hướng tới “đẳng cấp” cao một cách rõ rệt. Ngoài ra, việc phát triển du lịch vẫn theo lối truyền thống “mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh “gà nhà”, “ăn xổi” cùng nhau tụt hậu.
Cùng quan điểm, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, sau 20 năm xây dựng và phát triển, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, tạo diện mạo mới cho nông thôn và đô thị. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế...
Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia để du lịch miền Trung - Tây Nguyên phát triển bền vững, xây dựng được những thương hiệu chung chính quyền các địa phương cần tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển đột phá ngành du lịch. Trong đó, xác định quan điểm phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các loại hình du lịch bảo đảm sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.
Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào du lịch, xem đây là động lực cơ bản thúc đẩy phát triển “ngành công nghiệp không khói” ở khu vực...