Dệt may có tận dụng được cơ hội?
Ngành dệt may dịch chuyển mạnh từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung | |
Cơ hội lớn mở ra cho ngành dệt may |
Hiện cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy các nhà máy dịch chuyển khỏi Trung Quốc để tìm đến Việt Nam. Trong khi đó việc Liên minh châu Âu (EU) mới đây quyết định chấm dứt chính sách ưu đãi (EBA) với hàng hóa xuất khẩu của Campuchia cũng có thể tạo nên cú hích mới, giúp các DN trong nước nhận thêm nhiều các đơn hàng từ Campuchia chuyển qua.
Châu Âu là một trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực của Campuchia. Theo các nhà phân tích, việc EU chấm dứt chính sách ưu đãi thị trường sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu từ Campuchia không còn được ưu đãi về thuế quan, làm tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp quan trọng này. “Việc rút EBA sẽ tác động tàn phá đối với ngành dệt may Campuchia. Điều này có thể khiến hàng trăm nghìn công nhân mất việc”, giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales Canberra nhận định.
Để tránh nguy cơ bị đánh thuế cao, nhiều khả năng các nhà máy dệt may tại Campuchia sẽ phải dịch chuyển tới các quốc gia khác. Trong đó Việt Nam được xem là đích đến tiềm năng nhờ triển vọng của Hiệp định Thương mại tự do EU-Vietnam dự kiến sẽ chính thức được ký kết trong năm nay.
Trong các năm qua, ngành dệt may là một trong những lĩnh vực chứng kiến mức độ tăng trưởng khả quan. Giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 13,1% trong giai đoạn 2008-2017, vượt xa mức trung bình toàn cầu 4,9% chủ yếu nhờ nhân công giá rẻ và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2019 giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng 1,26 tỷ USD (tương ứng tăng 11,5%) lên 12,19 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ngành cũng hưởng lợi từ gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Việc chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển từ Việt Nam có thể mang lại lượng đơn hàng dệt may lớn, giúp Việt Nam giành lấy thị phần từ Trung Quốc ngay tại thị trường Mỹ. Cơ hội rất nhiều như vậy vấn đề còn lại là ngành dệt may có tận dụng được thời cơ để bứt phá trong giai đoạn tới hay không?
Năng lực cạnh tranh và mức độ hoàn thiện chuỗi giá trị của các DN nội địa thời gian qua đã cải thiện đáng kể. Theo Công ty chứng khoán Vndirect, chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam đang được hoàn thiện nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào liên tục, tập trung vào sản xuất thượng nguồn (sợi và vải). Ngoài ra, các nhà DN may mặc chuyển hướng sang các phương thức sản xuất tiên tiến như mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB) và sản xuất thiết kế gốc (ODM) giúp cải thiện biên lợi nhuận.
“Trong dài hạn, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam còn trở thành nhà cung cấp nguyên liệu dệt cho các nhà sản xuất may mặc trong khu vực nhờ chuỗi giá trị dệt may hoàn thiện”, chứng khoán Vndirect đánh giá.
Khá nhiều các DN dệt may niêm yết đang hoạt động khả quan. Điển hình như, Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu năm trước tăng 14% lên 3.662 tỷ đồng biên lợi nhuận cũng được cải thiện từ 16% lên mức 19%, đi kèm lợi nhuận ròng sau thuế tăng ấn tượng 35% lên 260 tỷ đồng. Theo kế hoạch kinh doanh 2019, TCM đặt mục tiêu doanh thu 3.952,70 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2018. Dự kiến vào tháng 8/2019, TCM sẽ phát hành thêm gần 3,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên trên 580 tỷ đồng.
Một ngôi sao khác đáng chú ý trên sàn chứng khoán là Công ty May Sông Hồng (MSH). Công ty lý giải với việc dịch chuyển sản xuất sang mảng FOB giúp nhưng hoạt động tài chính được cải thiện nhờ thu nhập từ tiền gửi tăng và giảm lãi vay. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng 86,74% lên 16,22 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm 23% xuống 7,23 tỷ đồng. Kết quả, dù quý I/2019, lợi nhuận trước thuế của MSH đạt 108,3 tỷ đồng, hoàn thành 22,8%. Lợi nhuận sau thuế tăng 77,81% đạt 86,64 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.819 đồng/cổ phiếu.
Hay ở DN có thế mạnh về ngành sợi là CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), doanh thu quý I/2019 được ghi nhận tương đương với cùng kỳ năm 2018, nhưng biên lợi nhuận cải thiện lên mức 14% từ 13%. Đi cùng với việc cắt giảm chi phí vận hành, STK ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 29% để đạt 52 tỷ đồng.
Hiện STK đang lên kế hoạch công suất lên gấp đôi trong năm 2020 thông qua dự án Polymerization với mục tiêu sản xuất hạt PET chip, giúp giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời mở rộng thêm thị phần và đáp ứng tốt hơn nhu cầu gia tăng từ làn sóng FDI đang rót mạnh vào Việt Nam.