Dệt may Việt Nam: Tận dụng cơ hội vào Mỹ
Dệt may hút đầu tư từ châu Á | |
Không phát triển bằng mọi giá |
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng trưởng với tốc độ cao.
Ngành dệt may vẫn khó khăn trong khâu nguyên vật liệu |
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết, tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may đang ở mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Điều này có được nhờ các doanh nghiệp đã thích ứng với sự chuyển dịch thị trường và các quốc gia xuất khẩu cũng đa dạng hơn.
Tuy nhiên, nếu như trước đây, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ chiếm 55 - 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, thì hiện giảm xuống còn khoảng 51%. Các thị trường khác, như Nhật Bản, EU cũng bị sụt giảm so với mục tiêu đề ra, lý do là sức mua và khả năng cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam vẫn còn yếu.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Các FTA đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất trong ngành dệt may tại Việt Nam, theo sau là Đài Loan, Hong kong.
Mặt khác, việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường sau khi có các FTA cũng được thuận lợi hơn. Điển hình như thị trường Canada và Úc, số lượng đơn hàng đã tăng nhanh. Báo cáo của VITAS cũng cho biết, tình hình tương đối khả quan. Nhiều công ty đã nhận đơn hàng đến hết năm.
Đặc biệt, những diễn biến mới từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng có lợi cho hàng hóa Việt Nam, xuất khẩu hàng dệt may có thể đạt cả năm là 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Trong bối cảnh hiện nay, các FTA sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành dệt may. Công ty trong ngành có cơ hội tiếp cận tới nhiều thị trường, tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ các quy tắc xuất khẩu, tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới tận dụng được lợi thế từ các hiệp định FTA.
Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với thách thức về hàng rào kỹ thuật và quy trình xuất xứ sản phẩm khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, phí losgictic cũng là điểm hạn chế tại Việt Nam. Hiện nay chi phí vận chuyển tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore… Vì vậy, dù có lợi thế nhân công giá rẻ, Việt Nam vẫn bị điểm trừ về sức cạnh tranh trong ngành.
Để góp phần khắc phục những hạn chế, các doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đảm bảo quy tắc xuất xứ của các FTA.
Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Ðồng Nai chia sẻ, doanh nghiệp sản xuất hàng theo phương thức FOB (mua đứt bán đoạn) lên đến 95%, do đó khó khăn chính là việc tìm được nguyên phụ liệu phù hợp. Ðây cũng là vấn đề chung mà hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp phải.
Hiện Công ty cổ phần may Ðồng Nai mới chỉ sử dụng 45 - 50% vải nguyên liệu và 60 - 70% phụ liệu trong nước, còn lại phải nhập khẩu nước ngoài. Mặc dù, trong nước đã sản xuất nhiều loại nguyên phụ liệu dệt may, nhưng cơ bản các doanh nghiệp dệt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khách hàng cả về số lượng và chất lượng hàng cao cấp để làm những đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực, áp dụng công nghệ cao cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đối với hoạt động logistics, doanh nghiệp vận tải trong nước cần xây dựng theo chuỗi, giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp dệt may.
Nhiều chuyên gia nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục mang đến cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, đánh giá tác động của việc này, nhiều doanh nghiệp dệt may cho rằng, cơ hội và thách thức cùng song hành. |