Dệt may hút đầu tư từ châu Á
Không phát triển bằng mọi giá | |
Dệt may có lợi thế nhưng không dễ |
Ảnh minh họa |
Ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á và châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, đang có một làn sóng đầu tư mới vào ngành dệt may của Việt Nam của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Cụ thể, 62% doanh nghiệp dệt may của Hàn Quốc đang có kế hoạch mở rộng quy mô nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tập trung sản xuất các sản phẩm từ sợi và vải đến thành phẩm may mặc. Lĩnh vực này được doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm nhiều là do, lợi ích từ Hiệp định thương mại song phương (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo đó, có 24 loại sản phẩm được hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn mức thuế Việt Nam áp dụng cho các nước ASEAN. Hiện nay, dệt may đang chiếm 17,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc. Nhưng hàng dệt may của Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 30% thị phần tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều cơ hội để dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện nay, Bộ Công thương Việt Nam đã ký một thỏa thuận với Bộ Công nghiệp Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hàng dệt may. Từ thỏa thuận này, Việt Nam và Hàn Quốc đang xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào ngành công nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
Trong đó, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là dệt may… Đây chính là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Hàn Quốc tăng đầu tư vào dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của dệt may Việt Nam, thuế suất ở khoảng 10% - 12% sẽ giảm xuống còn 0% khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực. Đây là động lực, lợi thế rất lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho đến nay, ngành dệt may đã thu hút hơn 2.000 nhà đầu tư nước ngoài, từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tổng số vốn gần 16 nghìn tỷ USD. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, tổng vốn lên đến 4,5 tỷ USD. Tiếp đến là Đài Loan 2,5 tỷ USD, Hồng Kông 2,1 tỷ USD và Nhật Bản gần 800 triệu USD.
Vừa qua, Tập đoàn Itochu của Nhật Bản đầu tư 47 triệu USD (tỷ lệ sở hữu lên 15%) vốn vào Tập đoàn Dệt may Việt Nam. So với một số quốc gia có thế mạnh gia công hàng dệt may xuất khẩu như Campuchia, Bangladesh… thì Việt Nam có lợi thế hơn hẳn về chi phí lao động và nhất là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhất là khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam có thể tăng các chuyến hàng đến các nước thành viên CPTPP, vốn chi tiêu lên đến 40 tỷ USD/năm cho các sản phẩm dệt may.