Địa phương nợ lớn giảm sức hút đầu tư
Sự kiện Bạc Liêu, Cà Mau do mất cân đối trong thu – chi ngân sách đã dẫn tới tình trạng nợ hàng trăm tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đang thực hiện các dự án tại các địa phương này không thu hồi được vốn cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, dự án bị chậm tiến độ và đội vốn.
Nhiều công trình đầu tư chững lại do vốn đối ứng ở một số địa phương cạn kiệt |
Cạn tiền cho xây dựng cơ bản
Được khởi công vào cuối tháng 12/2014 với mục tiêu sẽ hoàn thành vào tháng 6/2015, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay dù đã quá thời hạn gần nửa năm nhưng dự án cầu Phụng Hiệp (TP. Cà Mau) vẫn chưa thể khánh thành được do thiếu vốn từ ngân sách tỉnh.
Công trình này là hợp phần của Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63, nhằm xây dựng tuyến đường tránh TP. Cà Mau, gắn tuyến giao thông giữa các khu công nghiệp (KCN) Khí - Điện - Đạm Cà Mau và KCN Khánh An. Công trình được UBND tỉnh Cà Mau giao cho Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 200 tỷ đồng, toàn bộ được lấy từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, đến thời điểm này do việc cấp vốn chậm chạp, tiến độ thi công bị chững lại. Trong khi đó, mới đây TP. Cà Mau công bố mất cân đối ngân sách, dẫn tới nợ hơn 90 tỷ đồng đối với nhiều nhà thầu của các dự án xây dựng cơ bản. Vì vậy, không biết khi nào thì công trình cầu Phụng Hiệp mới tiếp tục được bố trí vốn để hoàn thành các phần việc còn lại.
Trường hợp hụt vốn của dự án cầu Phụng Hiệp thực tế chỉ là một ví dụ để dẫn chứng rằng do thiếu vốn từ ngân sách, hàng loạt các dự án xây dựng cơ bản tại Cà Mau, Bạc Liêu và nhiều tỉnh, thành khác đang phải chôn chân nằm chờ kinh phí.
Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, đến cuối tháng 10/2015, tổng giá trị giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương này chỉ đạt khoảng 64% so với kế hoạch (hơn 1.800 tỷ đồng). Do thiếu vốn, các công trình trọng điểm của tỉnh như: dự án Bệnh viện Ða khoa Năm Căn, dự án xây dựng cầu Rạch Ruộng… đều bị chững lại. Hệ quả là các KCN được quy hoạch nhiều năm tại địa phương như KCN Khánh An, Hòa Trung, Năm Căn, Sông Ðốc đều không hấp dẫn được các NĐT từ bên ngoài. Nhiều KCN xây dựng lên nhưng phải bỏ hoang 3-4 năm vì không có DN đến thuê đất kinh doanh.
Tương tự, tại Bạc Liêu do thiếu vốn ngân sách, hiện hàng chục dự án lớn của địa phương này cũng đang chậm tiến độ và đội vốn gấp nhiều lần so với kế hoạch. Ghi nhận từ Ban Quản lý dự án tỉnh Bạc Liêu, hiện có khoảng 180 dự án xây dựng cơ bản đang được đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh nhưng 1/3 số này đang chậm tiến độ.
Những dự án lớn như: dự án Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Cao Văn Lầu; dự án Trung tâm Hội chợ tỉnh Bạc Liêu; dự án xây dựng khu hành chính tỉnh… hầu hết đều được phê duyệt hàng trăm tỷ đồng vốn ngân sách, nhưng đến nay việc giải ngân khá chậm chạp. Việc này khiến cho hơn 200 nhà thầu khó triển khai các hợp phần kịp thời, dẫn đến đội vốn và mất nhiều chi phí cơ hội.
Không cân đối sẽ mất cạnh tranh
Tình trạng thiếu hụt nguồn thu, phải tạm ứng ngân sách của năm sau để chi tiêu như trường hợp của hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mới đây không phải là những trường hợp cá biệt.
Theo một thống kê của TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam) hiện nay trên địa bàn cả nước có khoảng gần 20 tỉnh, thành có mức chi cân đối ngân sách lớn gấp hơn 2-3 lần mức thu.
Ông Tuấn cho rằng, cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay đang tạo ra động cơ khuyến khích các địa phương “càng vung tay quá trán” thì càng có lợi. Và quan trọng hơn là khi rơi vào tình thế chi vượt thu, nhiều địa phương vẫn không quá lo lắng do cơ chế ràng buộc ngân sách mềm vẫn còn giá trị. Các địa phương sẽ được ngân sách Trung ương rót bù đắp bằng cách này hay cách khác.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ thu hút đầu tư thì hiện nay đối với các địa phương có mức thu ngân sách quá thấp so với mức chi sẽ gặp bất lợi lớn và không có sức hấp dẫn đối với cả NĐT trong nước và nước ngoài.
Xem xét tại Cà Mau cho thấy, mặc dù từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào 4 KCN trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 20 dự án đầu tư vào các khu vực này với tổng giá trị trên 15.000 tỷ đồng. Hầu hết các DN đăng ký đầu tư đều là DNNVV, chưa có DN nào đầu tư vào các dự án lớn làm động lực phát triển kinh tế địa phương.
Không những thế, trong năm 2015, tỉnh Cà Mau cũng kêu gọi đầu tư vào gần 30 dự án khác ở các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, thủy sản. Đa phần các dự án đều đã lập kế hoạch nhưng chưa thu hút được DN tham gia.
Tương tự, năm 2015, tỉnh Bạc Liêu cũng đưa ra 15 dự án trọng điểm ở 5 lĩnh vực (kết cấu hạ tầng, khu dân cư - đô thị, du lịch, y tế; nông nghiệp công nghệ cao) để kêu gọi vốn đầu tư. Trong đó có những dự án lớn như: dự án xây dựng cảng Gành Hào, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng; dự án KCN Láng Trâm, tổng vốn đầu tư 670 tỷ đồng; dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng vốn hơn 1.300 tỷ đồng… Tuy nhiên đến nay đã sắp hết năm, các dự án này vẫn chưa thu hút được NĐT nào chịu bỏ vốn.
Như vậy có thể thấy rằng, với hiện trạng bội chi đầu tư công ở nhiều địa phương hiện nay, chưa bàn đến chuyện thâm hụt và lãng phí ngân sách, chỉ tính ở góc độ thu hút đầu tư thì hàng chục tỉnh, thành cũng đang tự làm yếu mình trước các cơ hội cạnh tranh thu hút nguồn vốn từ xã hội.
Trong bối cảnh Chính phủ đang ráo riết thực hiện tái cơ cấu đầu tư công. Có lẽ đây chính là thời điểm mà các địa phương cần phải nhìn nhận lại “sức khỏe” của mình nếu không sẽ tiếp tục trượt dài vào vũng lầy thâm hụt ngân sách và không còn cơ sở để thu hút nguồn lực phát triển trong thời kỳ đất nước hội nhập mạnh vào nền kinh tế khu vực và thế giới.