DN giảm lợi nhuận 15-20% vì phí cảng biển của Hải Phòng
Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh | |
Tình trạng thực hiện Nghị quyết 35 đang là “nóng trên lạnh dưới” |
Sau 2 văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội kiến nghị cho dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển Hải Phòng, chiều 13/2, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) và nhiều hiệp hội lại tiếp tục họp bàn hướng tiếp tục kiến nghị đình chỉ thi hành Nghị quyết 148 của Hải Phòng.
Tham dự cuộc họp có các Hiệp hội: Dệt may, Da giày và Túi xách, Bông sợi, Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội dịch vụ Logistics, Hiệp hội DN Nhật Bản, đại diện Jetro và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF).
Ngoài phí hạ tầng cảng nộp cho Hải Phòng, DN phải gánh chịu thêm tầm 15,2 triệu USD/năm chi phí lưu kho bãi, lãi suất tiền gửi, chi phí thực hiện thủ tục nộp phí... |
Như Thời báo Ngân hàng đã đưa tin trước đây, quy định về phí cảng biển Hải Phòng vừa đưa ra là vấn đề khá phức tạp tác động lớn đến DN, đi ngược lại nỗ lực cải cách mà Nghị quyết 19 hướng đến, vi phạm quy định của WTO về đối xử quốc gia, đã được luật hóa thành Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia năm 2000 (khi chỉ áp dụng với hàng hóa xuất nhập mà không áp dụng với hàng hóa trong nước).
Các hiệp hội đã đồng loạt lên tiếng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng CIEM cũng thẳng thắng kiến nghị dừng thi hành. Cuộc họp hôm 13/2/2017 một lần nữa cho thấy sự phức tạp và nghiêm trọng của vụ việc này.
Theo phân tích của VPSF và các luật sư, Nghị quyết 148 của HĐND TP Hải Phòng là văn bản quy phạm pháp luật nhưng đã không tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của quy định; không đăng tải trên cổng điện tử của thành phố tối thiểu 30 ngày; không đánh giá tác động chính sách và thủ tục hành chính. Nghị quyết 148 này đã đẩy hàng nghìn DN vào thế khó khăn, áp lực vì các đơn hàng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan đến năm 2017 đã được đàm phán, ký kết trước đó.
Theo khảo sát nhanh của các hiệp hội DN, để thực hiện xong việc nộp phí cho 1 lần thông quan, mỗi DN phải bố trí ít nhất 1 nhân viên chuyên trách và mất khoảng 90 phút để hoàn tất nộp phí. Công việc thu phí được thực hiện rất thủ công nên kéo dài thời gian và DN nộp xong phí thì không kịp thông quan trong ngày. Vậy là phải để hàng lưu kho chờ hôm sau làm thủ tục tiếp như vậy, không chỉ phí cao, mà còn thêm chi phí lưu kho, chi phí nhân lực và hàng chậm lên tàu…
Trong khi đó, Thủ tướng đang yêu cầu thực hiện Nghị quyết 19 cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có việc rút ngắn thời gian thông quan thì quy định của TP Hải Phòng lại kéo ngược tình trạng này.
Theo các DN, ít nhất 18,75% DN làm thủ tục ở Hải Phòng sẽ bị lưu kho bãi qua 1 đêm, số còn lại thì mất độ 2 tiếng đồng hồ cho việc nộp phí (gồm cả khâu chuẩn bị). Ngoài phí nộp cho Hải Phòng, DN phải gánh chịu thêm tầm 15,2 triệu USD/năm chi phí lưu kho bãi, lãi suất tiền gửi, chi phí thực hiện thủ tục nộp phí... chưa kể các chi phí không lượng hóa được do chậm đơn hàng bị phạt hợp đồng, mất uy tín...
“Các DN Nhật Bản họ choáng luôn với quy định này”, bà Đào Thị Thu Huyền – Hiệp hội DN Nhật Bản cho biết. Mức phí được đặt ra cũng không có căn cứ, vừa ban hành đã thi hành ngay. Trong khi đó, hợp đồng đã ký ngắn hạn cũng là 1 năm, dài hạn là 3 năm và hợp đồng khu là 5 năm… DN hầu như không thể đàm phán lại hợp đồng với đối tác. Nếu kiến nghị dừng thực hiện Nghị quyết 148 của Hải Phòng, thậm chí phương án “kiện” cũng đã được phía DN đề cập đến.
Dự kiến, tổng mức thu phí mới của TP Hải Phòng năm 2017 là 1.500 tỷ đồng nhưng theo bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Tổng thư ký VPSF, tính toán nhanh sau những ngày đầu áp dụng thu phí năm 2017, TP Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.500 tỷ đồng. Trong khi Hải Phòng thu tầm 1.500-2.500 tỷ đồng/năm từ tiền phí hạ tầng cảng biển mới ban hành thì lợi nhuận DN giảm 15-20%; lợi nhuận DN giảm thì số tiền đóng thuế của DN sẽ giảm tầm 20% khiến thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập DN giảm tầm 300-500 tỷ đồng.
Đáng lo ngại hơn cả là nếu tình trạng trên diễn ra ở mọi địa phương, ngân sách trung ương sẽ thất thu nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới chính sách tài khóa quốc gia và làm giảm mạnh sức cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế.