Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Thách thức mới đi cùng cơ hội lớn | |
Vì nhân dân, vì doanh nghiệp | |
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh |
Nhiều nơi còn “lạnh lẽo”
“Trong những lần làm việc với các đối tác nước ngoài, tôi nghe họ nói “rất sợ pháp lý, TTHC của nước ta”. Tiếp xúc với DN trong nước thì thấy đang có sự phân vân bởi “với chính quyền địa phương, DN nước ngoài được nhiều ưu ái hơn”. Đó là phát biểu của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh trong cuộc họp hôm 9/2/2017 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chuẩn bị cho hội nghị với các DN lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thực hiện phát triển DN không phải là “tháo gỡ khó khăn” nữa, mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh |
Tại cuộc họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS. Vũ Tiến Lộc đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 của Chính phủ: Bên cạnh nhiều bộ ngành, địa phương triển khai sớm, hiệu quả, quyết liệt, còn một số nơi chậm triển khai thực hiện nghị quyết, hoặc làm mang tính chất hình thức.
Điều này dẫn tới tình trạng “nóng trên” nhưng “lạnh dưới” làm giảm hiệu quả và tác động của nghị quyết tới môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN một cách kịp thời. Theo ông, “Tinh thần đang hừng hực trong Chính phủ và một số bộ, ngành, nhưng xuống địa phương thì một số nơi làm chưa tốt và nhiều nơi còn “lạnh lẽo”.
“Tôi thấy nhiều DN rất tâm tư khi một năm có tới sáu, bảy đoàn thanh tra, kiểm toán đến, rồi kiểm tra không chính thức. Đây cũng là một dạng chi phí của DN...”, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phát biểu.
Báo cáo nhanh tình hình triển khai Nghị quyết 35, ông Lộc cho biết: ngay sau khi nghị quyết ban hành, nhiều bộ, ngành, địa phương đã sớm triển khai thực hiện, đã có chương trình hành động thực hiện nghị quyết. VCCI đã nhận được Chương trình hành động của 26 tỉnh, thành phố và 6 bộ.
VCCI, Hiệp hội DN và cộng đồng DN nhận thấy: các mục tiêu nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Cộng đồng DN đánh giá cao và rất phấn khởi, tích cực hưởng ứng việc ban hành nghị quyết.
Các DN, nhà đầu tư đã ban đầu được hưởng lợi từ việc ban hành và thực hiện Nghị quyết 35. Các nguyên tắc quan trọng của nghị quyết như “Các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm”, “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”, “DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”… đã có tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp, không chỉ cơ quan hành pháp mà kể cả hệ thống tư pháp.
DN đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện TTHC từ những giải pháp rất cụ thể của nghị quyết như “kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng”, hay “giải quyết TTHC cho DN theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho DN, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ”.
Phải tạo thuận lợi cho thương mại
Nghị quyết 35 đã tạo ra những hiệu ứng hết sức tích cực, nhưng chưa được thực hiện đều khắp ở các địa phương. Một số bộ, ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, cơ chế chính sách phục vụ và hỗ trợ DN. Một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai xây dựng các đề án về cải cách hành chính theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ; Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn chậm so với tiến độ đề ra.
Ông Lộc báo cáo, Nghị quyết 35 giao nhiệm vụ cho VCCI tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của DN chuyển tới các cơ quan quản lý Nhà nước để xử lý, định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ, VCCI đã tập hợp được trên 420 kiến nghị của các DN, hiệp hội DN.
Trong đó, có 320 kiến nghị được gửi các bộ, ngành trả lời ngay; một số kiến nghị cụ thể đã được giải quyết, một số mang tính chất câu hỏi đã được trả lời; các kiến nghị khác liên quan đến đề nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách, cải cách TTHC được các bộ, ngành ghi nhận giải quyết. Còn hơn 100 kiến nghị được tập hợp trong báo cáo hàng tháng VCCI gửi Thủ tướng Chính phủ, đến nay VCCI mới nhận được trả lời cho 35 kiến nghị.
Ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Đảng uỷ khối DN Trung ương phát biểu rằng, phải hành động quyết liệt. Khi thực hiện Nghị quyết 35 có những vấn đề không thể làm ngay, nên phải nói rõ là đang tiến hành để cộng đồng DN yên tâm. Ông nêu ý kiến, còn 2 tháng nữa sẽ tới Hội nghị DN với Thủ tướng, cần đốc thúc các nhiệm vụ còn dang dở kết thúc sớm. Những gì địa phương, bộ, ngành làm được thì phải làm, tránh tình trạng DN bức xúc với địa phương cũng phải đưa lên kêu với Chính phủ.
Ông Lộc cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt hơn đối với một số nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Nghị quyết thông qua việc tổ chức có hiệu quả Hội nghị DN với Thủ tướng năm 2017 và ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tinh thần thực hiện phát triển DN không phải là “tháo gỡ khó khăn” nữa, mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng DN. Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay tới khi tổ chức hội nghị (tháng 3/2017), các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, xử lý các kiến nghị của DN ở từng cấp.