Đồ gỗ thân thiện môi trường
Còn dư địa cho xuất khẩu đồ gỗ | |
Đồ gỗ trước cửa vào EU, Hoa Kỳ |
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành đồ gỗ nội thất Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu sản phẩm đến trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch đạt 7 tỷ USD năm 2016, và trong quý I/2017 đã đạt 1,78 tỷ USD. Những thị trường nhập khẩu lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam là Châu Âu (EU), Hoa Kỳ (Mỹ), Nhật Bản…
Tuy vậy, đồ gỗ cũng là mặt hàng xuất khẩu chịu áp lực lớn nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật, bởi thị trường nhập khẩu thường yêu cầu sản phẩm phải sử dụng gỗ có xuất xứ hợp pháp, dùng các hóa chất ít phát thải hoặc nằm trong giới hạn cho phép.
Thị trường nhập khẩu đồ gỗ ngày càng nâng chuẩn |
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, mục tiêu mà ngành gỗ Việt Nam hướng đến là tăng trưởng xuất khẩu từ 8% - 10%/năm, đạt mức 7,5 tỷ USD/2017, bởi thị trường tiêu thụ thế giới đang có những chuyển biến thuận lợi cho ngành gỗ.
Cụ thể, sản phẩm gỗ từ đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, giảm lượng hàng xuất khẩu. Từ đây những nhà nhập khẩu của Mỹ chuyển sang nhập khẩu gỗ và đồ gỗ các nước Châu Á khác và khối ASEAN.
Trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất ASEAN. Mặt khác, nhiều Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với nhiều nước khiến Việt Nam có lợi thế tăng xuất khẩu vào nhiều thị trường mới như Hàn Quốc, Úc, Nga…. Tuy nhiên, DN ngành gỗ luôn phải đặt trách nhiệm xã hội với người lao động, người tiêu dùng và môi trường lên hàng đầu.
Trong sản phẩm gỗ, yếu tố độc hại chủ yếu là formaldehyde (có trong keo dán gỗ UF) và hàm lượng chì trong dầu màu trang sức bề mặt sản phẩm. Tiếp xúc với formaldehyde có thể gây dị ứng da, cay mắt, mũi và họng. Tiếp xúc ở mức độ cao có thể gây ra một số loại ung thư.
Vì vậy, tại các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, các cơ quan chức năng còn đánh giá đến mức độ tiếp xúc với formaldehyde trong không khí. Và tiêu chuẩn này buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối, nhà bán lẻ phải có khả năng chứng minh khi bị truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các DN XK gỗ Việt Nam đã biết rõ các yêu cầu kỹ thuật của thị trường nhập khẩu và ý thức rằng, chất lượng sản phẫm gỗ không còn nằm trong phần cứng của sản phẩm, mà còn là việc đảm môi trường, sử dụng gỗ hợp pháp, sử dụng các hóa chất ít phát thải hoặc nằm trong giới hạn cho phép. Bởi vì tăng chất lượng sinh thái trên sản phẩm, đồng nghĩa với việc tăng hiệu quả kinh doanh và giảm thiểu rủi ro.
Theo ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đại diện Công ty GreenViet (là DN có kinh nghiệm về tư vấn cung cấp các sản phẩm đồ gỗ nội thất và vật liệu xây dựng thân thiện môi trường cho các công trình xanh), tốc độ đô thị hóa bùng nổ như hiện nay của Việt Nam cũng như nhiều nước phát triển khác trên thế giới, đồng nghĩa với việc thiên nhiên bị tàn phá thì việc cung cấp những sản phẩm thân thiện môi trường là rất quan trọng.
Ông Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cho biết, DN ngành gỗ và chế biến gỗ xuất khẩu hiện nay có nhiều thuận lợi hơn trong việc thẩm định chất lượng sản phẩm, bởi tại Quatest 3 có phòng thí nghiệm đáp ứng đủ các yêu cầu khắt khe theo các tiêu chuẩn và yêu cầu quốc tế.
Kết quả được chứng nhận bởi UL, là tổ chức có uy tín hàng đầu tại Hoa Kỳ và thị trường quốc tế. DN cũng giảm được thời gian, chi phí thẩm định. Phòng thí nghiệm của Quatest 3 hiện nay kiểm nghiệm chất lượng và an toàn sản phẩm nội thất và linh phụ kiện cho các DN từ 12 quốc gia trong khu vực gồm các nước ASEAN, Úc, New Zealand và Ấn Độ…