Đồ gỗ trước cửa vào EU, Hoa Kỳ
EVFTA: Thời cơ chín muồi để tranh thủ lợi thế | |
Hiệp định EVFTA tạo cú hích thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU | |
Đẩy mạnh xuất khẩu: Con đường còn nhiều chông gai |
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) và TPP khi chính thức có hiệu lực mở ra cơ hội cho một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với việc EU và các nước TPP (trọng tâm là Hoa Kỳ) đưa ra các cam kết khá mạnh về việc mở cửa thị trường mua sắm công cho các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hoá đến từ nước đối tác, gặt hái nhiều thuận lợi hơn cả là ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.
Đánh giá về cơ hội này, Trung tâm WTO và hội nhập thuộc VCCI cho rằng, nhà nước luôn là nhà mua hàng lớn và nhiều tiềm năng. Hiện nay, Việt Nam chưa tham gia Hiệp định về mua sắm công của WTO, cũng chưa cùng đối tác nào đưa ra cam kết về mua sắm công, do đó cơ bản là chưa tiếp cận được thị trường này. Trong khi đó, thị trường mua sắm công đối với các sản phẩm gỗ chế biến, đặc biệt là gỗ nội thất, văn phòng, của các nước TPP và EU, dù mới chỉ “bó” ở một số cơ quan nhà nước cấp trung ương hoặc liên bang, nhưng cũng là rất lớn.
Ảnh minh họa |
Số liệu của Hoa Kỳ cho biết, tính riêng khoản chi tiêu cho việc mua sắm các loại hàng hoá, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng 10-12 tỷ USD. Với lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ, đây là kênh tiêu thụ hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các nước chưa có FTA với Hoa Kỳ.
Vì vậy, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập khẳng định, các DN chế biến gỗ Việt Nam có thể tham gia trực tiếp và thắng gói thầu mua sắm công các sản phẩm đồ gỗ ở nước thành viên TPP, hoặc sản xuất để tận dụng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá trong mua sắm công TPP.
Hiện nay theo cam kết trong TPP, trường hợp chủ thể mua sắm là cơ quan nhà nước cấp liên bang Hoa Kỳ, ngưỡng gói mua sắm dành cho DN thuộc TPP tương đương với khoảng 4 tỷ đồng. Tại thời điểm này cũng đã có danh sách 86 cơ quan nhà nước cấp liên bang Hoa Kỳ được thực hiện các gói mua sắm công với DN thuộc TPP. Ngoài ra, có 7 đơn vị đặc thù được quy định ngưỡng gói mua sắm cao hơn ở mức khoảng 7,9 tỷ đồng.
Với thị trường EU, cam kết về mở cửa thị trường mua sắm công của EVFTA rộng hơn đáng kể, đặc biệt là về diện các chủ thể mua sắm. Theo đó, danh sách bao gồm cả các cơ quan của Liên minh châu Âu và các cơ quan nhà nước cấp liên bang, vùng, bang, địa phương của từng nước thành viên EU, thay vì chỉ quy định ở cấp nhà nước như TPP. Ngưỡng mua sắm mà EVFTA đặt ra cũng tương đương khoảng 4 tỷ đồng.
Tác động của EVFTA về mua sắm công đối với ngành đồ gỗ chế biến của Việt Nam cũng tương tự như TPP, thông qua cơ hội trực tiếp cho các DN chế biến gỗ Việt Nam tham gia các gói thầu đồ gỗ của các cơ quan EU và các nước thành viên EU; và cơ hội gián tiếp thông qua việc sản xuất hàng theo đơn đặt hàng của khách hàng thắng thầu.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá, ngưỡng gói thầu khoảng 4 tỷ đồng không phải là quá cao và khá phù hợp với khả năng cung ứng của DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV. Tuy nhiên theo bà Trang: “Về mặt lý thuyết thị trường được mở rất rộng, nhưng trên thực tế thì chưa thể biết chắc, vì chúng ta không trực tiếp bán hàng cho người mua cuối cùng mà qua một trung gian, nên cơ hội đã giảm bớt”. Song điểm thuận lợi là các gói mua sắm luôn đi kèm quy định bắt buộc về chủ thể mua sắm và nguồn gốc xuất xứ hàng hoá. Vì vậy, với quy tắc xuất xứ thì Việt Nam có lợi thế và cần tìm hiểu cụ thể để tận dụng các lợi thế này.