Đơn vị hành chính đặc biệt cần luật đặc biệt: Chọn phương án nào?
Cần thể chế thay vì ưu đãi vượt khung | |
Tạo lực hút đầu tư từ mô hình đặc khu | |
Kỳ vọng sự bứt phá ngoạn mục |
Ông Trần Duy Đông |
Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp này với những điều luật vượt trội so với pháp luật hiện hành. Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Thưa ông, trên thế giới có tới 4.500 đặc khu kinh tế (ĐKKT). Nhiều ĐKKT đã có những thành công vượt trội như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Nhưng cũng có những đặc khu ở Ấn Độ, Parkistan, ở châu Phi đã thất bại. Vậy, chúng ta sẽ làm thế nào để các đặc khu của chúng ta thành công?
Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, các ĐKKT thành công khi có vị trí địa kinh tế chiến lược; có luật điều chỉnh riêng cho ĐKKT; có môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh trạnh quốc tế; được phép thử nghiệm chính sách mới; chiến lược phát triển ngành, nghề rõ ràng; có sự hỗ trợ đầu tư ban đầu của nhà nước; bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả.
Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc có được Luật Đơn vị HCKTĐB là yếu tố quyết định sự thành công cho việc hình thành và phát triển các ĐKKT ở nước ta.
Thế giới liên tục xuất hiện ĐKKT mới, một nước phát triển như Nhật Bản cũng vừa thành lập tới 10 đặc khu mới với những thể chế vượt trội mới để cạnh tranh thu hút đầu tư. Vậy các đặc khu của Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào?
Trong dự án luật sẽ trình Quốc hội, có quy định cụ thể các nội dung, cơ chế, chính sách vượt trội trên các mặt về kinh tế - xã hội, hành chính và tư pháp, cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành tạo nên mô hình đảm bảo vượt trội và cạnh tranh quốc tế nhưng không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế.
Trước hết là tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới. Quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư được tôn trọng triệt để hơn, loại bỏ những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, chỉ giữ lại ngành, nghề thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở.
Bên cạnh đó còn có thêm chính sách bầu trời mở, cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại các đơn vị HCKTĐB.
Việc có được Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là yếu tố quyết định sự thành công cho việc hình thành và phát triển các đặc khu kinh tế ở nước ta |
Theo ông, với mô hình chính quyền địa phương ở đặc khu, phương án nào vượt trội và hiệu lực, hiệu quả hơn?
Dự thảo luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính, không có HĐND và UBND. Phương án 1 tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB; bộ máy và nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; bảo đảm sự giám sát của các chủ thể có liên quan; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị HCKTĐB.
Phương án này chỉ có một hạn chế là chính quyền địa phương là thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB, không phải là một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND nên có thể dẫn đến lạm quyền nếu không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB; tổ chức các khu hành chính thuộc đơn vị HCKTĐB; tổ chức Văn phòng khu hành chính với tính chất là cơ quan đại diện hành chính của UBND đơn vị HCKTĐB tại khu hành chính.
Phương án này không gây xáo trộn nhiều so với tập quán tổ chức chính quyền địa phương hiện nay ở nước ta nhưng hạn chế là chưa tạo được bước đột phá và đặc biệt về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, bộ máy và nhân sự chưa tinh gọn, vẫn làm việc theo chế độ tập thể, thủ tục phức tạp không tương thích với tính chất đặc biệt của ĐKKT.
Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án 1.
3 đặc khu chúng ta đang muốn làm đều nằm ở vị trí rất nhạy cảm về chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng và môi trường, nhà đầu tư nước ngoài vào đây lại được hưởng những cơ chế đặc biệt, được thuê đất tới 70 năm, thậm chí đến 99 năm... Điều này khiến một số người đã tỏ ý lo lắng cho vấn đề an ninh quốc phòng khi "bị người nước ngoài chiếm đất"?
Khi đưa thời hạn thuê đất này vào dự thảo luật, ban soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm thế giới. Ở một số quốc gia châu Á, thời hạn sử dụng đất trong các ĐKKT tối đa là 100 năm.
Dự thảo luật quy định thời hạn sử dụng đất trong đơn vị HCKTĐB tương tự như thời hạn sử dụng trong khu kinh tế (không quá 70 năm). Thời hạn 99 năm chỉ áp dụng với các dự án được đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư như: hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề và các ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị HCKTĐB...
Về đảm bảo an ninh quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đang xây dựng riêng hai đề án đảm bảo quốc phòng và an ninh tại các đặc khu. Chúng tôi tin rằng những quy định ấy đủ để hạn chế những tác động tiêu cực không mong muốn.
Xin cảm ơn ông!