Dự án PPP phải có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng
Theo số liệu tại Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 08 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác).
Cũng theo Báo cáo này, thông qua mô hình PPP, nguồn vốn đầu tư tư nhân đã được huy động để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn triển khai cho thấy quy định về PPP cần phải được hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa, do vậy, việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là cần thiết.
Về các chính sách mới được đề xuất tại Dự thảo Luật, đáng chú ý là các quy định về quy mô dự án để quyết định đầu tư theo hình thức PPP và việc phân loại theo quy mô dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Về quy mô dự án áp dụng PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin ý kiến và tổng hợp các ý kiến nhận được, đa số thống nhất tính cần thiết phải có hạn mức và kiến nghị áp dụng PPP đối với dự án nhóm B trở lên.
Theo dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi hiện nay, dự án thuộc các lĩnh vực như giao thông, điện... có quy mô từ 240 tỷ đồng đến dưới 4.600 tỷ đồng được phân loại là dự án nhóm B.
Ngoài ra, qua thống kê, đa số các dự án PPP đã thực hiện có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng (233/336 dự án, tương đương 69,34%; nếu không tính hợp đồng BT, số dự án trên 200 tỷ đồng là 113/148 dự án, tương đương 76,35%). Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng hạn mức để đầu tư PPP ở mức 200 tỷ đồng.
Liên quan đến nội dung phân loại dự án PPP, Dự thảo Luật quy định việc phân loại theo quy mô dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cụ thể như sau:
- Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỷ đồng trở lên.
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án có tổng mức đầu tư từ 4.500 tỷ đồng trở lên; dự án có tổng mức đầu tư dưới 4.500 tỷ đồng nhưng sử dụng vốn đầu tư công bố trí từ ngân sách trung ương từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Với các dự án không thuộc các nhóm trên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Về việc lựa chọn nhà đầu tư, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa một số nội dung như sau: Đơn giản hóa quy trình, lựa chọn nhà đầu tư, việc phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Các nội dung trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư (như phương thức và hình thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư) được phê duyệt đồng thời tại báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
MT
Có thể thành lập quỹ riêng để hỗ trợ các dự án PPP | |
Làm thế nào để PPP có hiệu quả | |
Gỡ “nút thắt” đầu tư PPP trong giao thông |