FDI 2018: Dòng vốn chuyển động mạnh và một số lưu ý
TIN LIÊN QUAN | |
Thu hút FDI: Việt Nam đang có lợi thế để lựa chọn | |
FDI chưa thể nói là thành công | |
Việt Nam - điểm đến hấp dẫn để đầu tư bất động sản |
Vốn đổ vào tăng đều
Theo báo cáo mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017 - ghi nhận con số kỷ lục từ trước tới nay.
Phía vốn đăng ký, tính chung trong năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2017.
Ghi nhận trên thực tế, có hai diễn biến khá trái chiều về dòng vốn FDI gần như liên tục song hành trong năm nay, đó là vốn đăng ký thường xuyên trồi sụt so với năm ngoái, trong khi vốn giải ngân lại luôn duy trì ở mức từ trên 6-10% qua các tháng trong năm.
Với vốn đăng ký, đỉnh điểm sụt giảm rơi vào tháng 3/2018 với mức giảm tới gần 25% trong quý I so với cùng kỳ. Một trong những động thái được cho là tác động đến dòng vốn FDI toàn cầu trong năm nay, khá trùng hợp lại rơi vào đúng thời điểm này.
Cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố sẽ đánh thuế “nặng tay” lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Không rõ sự kiện này đã tác động thế nào đến sự chuyển dịch dòng vốn FDI vào Việt Nam?
Trên thực thế, vốn FDI cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần bắt đầu cải thiện và đến tháng 6/2018 đã “ngoi lên” tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, diễn biến lạc quan này chỉ duy trì được trong 3 tháng sau đó. Trong 4 tháng cuối năm, vốn đăng ký tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Phía vốn giải ngân, hầu hết năm dữ liệu cho thấy lượng vốn này luôn tăng trưởng dương. Khởi đầu năm ở mức tăng 10,5% trong tháng Một, tuy nhiên sau đó xu hướng tăng ghi nhận biểu hiện giảm tốc để rồi tăng cao trở lại từ tháng 5.
Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, vốn FDI giải ngân ghi nhận độ ổn định cao với tăng trưởng quanh ngưỡng 8,4-9,8%. Tuy nhiên, cũng chìm dần như vốn đăng ký, tiếp 3 tháng sau đó dòng vốn này giảm tốc mạnh, để rồi một lần nữa cải thiện trong tháng cuối cùng của năm.
Như đề cập ở trên, dòng vốn FDI toàn cầu năm nay chịu nhiều tác động. Các chính sách mạnh tay của Tổng thống Trump đều đưa đến cảnh báo về sự chuyển dòng của vốn FDI toàn cầu ra khỏi các thị trường mới nổi để quay về nước phát triển, mà Mỹ là một lực hút mạnh mẽ.
Tuy nhiên với trường hợp của Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta vẫn có lợi thế để đón FDI chạy khỏi Trung Quốc, và nhân tố này là rất quan trọng, có thể tiếp tục ảnh hưởng đến xu hướng đầu tư nước ngoài trong năm 2019 nếu tình hình không có nhiều chuyển biến.
Căn thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang, mới đây nhất, một số sự kiện còn mang màu sắc chính trị, như việc ông Trump “dọa” can thiệp vào phiên tòa xét xử lãnh đạo Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) của Canada; phía ngược lại thì doanh nghiệp Trung Quốc đang kêu gọi tẩy chay Apple và tặng miễn phí sản phẩm của Huawei...
Một vài diễn biến đáng lưu ý
Cũng như vài năm trở lại đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam có sự phân hóa mạnh ở cách thức đầu tư.
Đáng chú ý, lượng vốn từ các dự án đăng ký mới và tăng vốn - thường được cho là phát triển từ các ý tưởng kinh doanh của nhà đầu tư, bao hàm trong đó là công nghệ hiện đại và quản trị tiên tiến có thể giúp Việt Nam tiếp cận được với trình độ sản xuất cao hơn - đang ghi nhận đà giảm tốc qua các năm. Trong khi đó, góp vốn mua cổ phần liên tục tăng trưởng cao.
Năm 2018, cả nước có 3.046 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 18 tỷ USD, giảm tới 15,5% so với cùng kỳ năm 2017; có 1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,59 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên cũng trong 12 tháng năm 2018, cả nước có tới 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2017.
Riêng về vốn đăng ký, số liệu cũng ghi nhận những chuyển dịch đáng kể trong các ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất. Ở Top đầu, các nhóm ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản; và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa … có sự điều chỉnh rất đáng kể.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì vị trí đứng đầu trong nhóm các ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất, tăng tỷ trọng trong tổng vốn đăng ký từ 44,6% của năm ngoái lên 46,8% trong năm nay.
Đáng chú ý nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản đã tăng 1 bậc từ thứ 3 năm 2017 lên thứ 2 năm nay, tới tổng vốn tăng từ 3 tỷ USD lên hơn 6,6 tỷ USD; tỷ trọng tăng từ 8,6% lên gần 18,7%.
Thị trường bất động sản, như thoibaonganhang.vn đã đưa tin, vừa có một năm khá thành công, trong đó vốn ngoại đổ vào thị trường đã góp phần thúc đẩy thị trường thông qua việc phát triển nhiều dự án lớn, vực dậy dự án khó khăn...
Đọc thêm: Bất động sản 2019: Xu hướng thị trường và lựa chọn đầu tư
Nhưng ở chiều ngược lại, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa từ vị trí thứ 2 năm ngoái nay xuống xếp thứ 4; tỷ trọng giảm từ 23,5% xuống còn 4,6%...
Một điểm đáng chú ý khác có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI. Cũng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, khu vực FDI trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu: xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 175,5 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017; nhập khẩu đạt 142,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, tỷ trọng của khối này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước có xu hướng giảm, từ mức 72,6% năm 2017 xuống 71,7% trong năm nay. Nhưng ngược lại, tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu lại tăng từ 59,9% của năm 2017 lên 60,1% trong năm 2018.
Trong khi đối tác đầu tư lớn ít có sự thay đổi, vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, thì địa bàn đầu tư của doanh nghiệp FDI có sự dịch chuyển lớn. Vào năm ngoái, TP.HCM, Bắc Ninh và Thanh Hóa là các địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất thì năm nay Hà Nội chiếm vị trí đầu bảng, đẩy TP.HCM “về nhì”; Hải lên vị trí thứ ba.
Một số dự án lớn trong năm 2018: - Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Hà Nội, tổng vốn 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư. - Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng vốn 1,201 tỷ USD do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đầu tư. - Dự án Công ty TNHH Laguna, Thừa Thiên - Huế điều, chỉnh tăng vốn 1,12 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư. - Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD. - Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 500 triệu USD. |