FDI chưa thể nói là thành công
Mặc dù lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong 11 tháng qua vẫn duy trì được đà tăng nhẹ 3,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 16,5 tỷ USD. Tuy nhiên khó có thể nói hoạt động thu hút FDI năm 2018 là thành công khi mà lượng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm sụt giảm tới 16,6% so với cùng kỳ chỉ đạt 23,19 tỷ USD. Thậm chí có thể nói là thất bại nếu xét trong bối cảnh khá nhiều thuận lợi của năm 2018.
Còn nhớ sau kỳ tích thu hút FDI năm 2017 với lượng vốn đăng ký đạt tới 29,7 tỷ USD, tăng 44,2% so với năm 2016; lượng vốn giải ngân cũng tăng 10,8% đạt 17,5 tỷ USD, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định bức tranh FDI năm 2018 thậm chí còn khởi sắc hơn nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán với nhiều nền kinh tế quan trọng.
Ảnh minh họa |
Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở khi nhớ lại việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên thái Bình Dương (TTP) đã khiến cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam chững lại trong những tháng đầu năm 2017. Bởi vậy việc 11 quốc gia còn lại vẫn quyết tâm triển khai và ký kết Hiệp định CPTPP vào ngày 8/3 đã làm dấy lên kỳ vọng làn sóng FDI sẽ chảy mạnh hơn vào Việt Nam để đón đầu cơ hội.
Kỳ vọng càng lớn hơn khi mà Việt Nam và EU cũng đã hoàn tất đàm phán và đang tiến hành các bước cuối cùng để tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. Chưa hết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ cũng tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút FDI. Nhiều tổ chức quốc tế đều có chung nhận định, Việt Nam là điểm đến số một trong làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thế nhưng thực tế lại không như kỳ vọng. Cũng có ý kiến cho rằng, lượng vốn đăng ký là không quan trọng bởi đó là “vốn ảo” mới chỉ nằm trên giấy; mà quan trọng là lượng vốn giải ngân, đó mới là “vốn thực”. Tuy nhiên lượng vốn đăng ký và vốn giải ngân có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu như lượng vốn đăng ký thấp có thể ảnh hưởng tới lượng vốn giải ngân trong giai đoạn sau này. Đơn cử như việc vốn FDI giải ngân trong năm nay vẫn duy trì được đà tăng nhẹ so với năm trước một phần cũng nhờ nhiều dự án đã đăng ký trong năm 2017.
Đừng tự bao biện mà cần phải nhìn thẳng vào sự thật và chỉ ra đúng nguyên nhân mới có thể đảm bảo thu hút FDI bền vững được. Không thể phủ nhận là hiện Việt Nam vẫn đang thu hút FDI dựa trên các lợi thế tài nguyên dồi dào, lực lượng lao động giá rẻ và ưu đãi thuế. Thế nhưng cuộc cách mạng 4.0 đang làm cho những lợi thế này dần biến mất. Thậm chí nguồn nhân lực giá rẻ còn có thể trở thành trở lực khi mà nhiều công việc giản đơn sẽ được thay thế bằng máy móc. Hạ tầng cơ sở, môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ như vậy nếu không bắt kịp với những tiến bộ của cuộc cách mạng này. Trên thực tế, mạng lưới sản xuất toàn cầu cũng đang có xu hướng dịch chuyển từ nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ hơn.
Vì lẽ đó, để có thể cạnh tranh thu hút FDI trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số; cần phải đem lại môi trường đầu tư ưu việt cùng các trải nghiệm vận hành với các giải pháp số, trực tuyến cạnh tranh được với các đối thủ khác trong khu vực.
Chiến lược thu hút FDI cũng cần thay đổi, tập trung thu hút FDI theo chiều sâu, hướng vào các ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới như công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo…Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Bởi suy cho cùng, hạt nhân của mọi cuộc cách mạng vẫn là con người.