Thu hút FDI: Việt Nam đang có lợi thế để lựa chọn
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị “Định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức sáng 21/12/2018 tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các nhà đầu tư tại hội nghị |
Cơ hội để bứt phá…
Trải qua 30 năm, kể từ tháng 12/1987 khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, ĐTNN chưa như kỳ vọng, khả năng lan tỏa và chuyển giao công nghệ của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước còn thấp. Sở dĩ như vậy do đa phần các dự án ĐTNN vẫn tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp, công nghệ lạc hậu; thậm chí có những dự án gây tổn hại môi trường, một số trường hợp thu hút ĐTNN chưa cân nhắc đầy đủ, toàn diện các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh…
Trong khi đó, bối cảnh thế giới, khu vực đang có những chuyển biến rất nhanh, rất mạnh ở nhiều mặt và khó dự báo với 3 xu hướng biến động lớn. Thứ nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực sản xuất. Thứ hai toàn cầu hóa đang có xu hướng đảo chiều khi mà chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, trong khi cũng có sự thay đổi tương quan sức mạnh của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Thứ ba, biến đổi khí hậu đã và sẽ làm thay đổi cấu trúc các nền kinh tế.
Tất cả những điều đó cũng mang lại nhiều cơ hội và cả thách thức cho việc thu hút FDI. Trong khi các xu hướng lớn đang diễn ra thì dòng vốn ĐTNN toàn cầu đang có xu hướng giảm, tạo nên áp lực cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực, trên thế giới trong việc thu hút vốn đầu tư ngày càng gay gắt. Nhưng “Đây là thời cơ để chúng ta bứt lên, vượt ra để không lệ thuộc về thương mại và đầu tư vào một vài quốc gia, vào một số thị trường nữa. Đây cũng là thời cơ để chúng ta bứt lên về công nghệ”, PGS.TS. Trần Đình Thiên – Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng phát biểu. Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để “mặc cả”, để ra điều kiện với nhà đầu tư.
Rõ ràng bối cảnh mới, điều kiện mới đòi hỏi cơ chế chính sách, định hướng thu hút FDI cũng phải có sự điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN đến năm 2030”.
Đề án đưa ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả ĐTNN, vận hành có hiệu quả các loại thị trường và mở cửa thị trường để thu hút ĐTNN, thúc đẩy, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, thu hút và sử dụng ĐTNN gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, điều chỉnh các chính sách thu hút và sử dụng ĐTNN liên quan đến các cam kết quốc tế...
… vấn đề là làm thế nào?
Mặc dù 66% DN Nhật Bản vẫn khẳng định Việt Nam là điểm đến tiềm năng ở Đông Nam Á, tuy nhiên ông Testu Funayama - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng chia sẻ thẳng thắn, khi bước chân vào một thị trường mới, mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư là điều kiện hạ tầng, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, khả năng nâng cao năng lực khoa học kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực của nước sở tại có đủ năng lực để tiếp nhận và vận hành các dây chuyền sản xuất công nghệ cao... Trong đó, để có thể xử lý nhanh chóng và hiệu quả vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Funayama kiến nghị cần nới lỏng quy định visa cho người nước ngoài là nhân viên kỹ thuật đến Việt Nam.
Cũng khẳng định Việt Nam là điểm đến tiềm năng, bằng chứng là hiện Hàn Quốc vẫn đang dẫn đầu trong số 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, song ông Kim Han Yong – Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc ở Việt Nam cho biết, mặc dù ưu đãi thuế là cần thiết, nhưng chưa đủ mà quan trọng là các chính sách của Chính phủ phải thân thiện và ổn định. Bên cạnh đó, cũng giống như các nhà đầu tư Nhật, đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.
Ghi nhận các kiến nghị đề xuất của giới chuyên gia và các nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, các nhà đầu tư đến với Việt Nam đều là công dân Việt Nam; Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư theo khuôn khổ pháp luật để cùng phát triển. “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tranh thủ cơ hội, tạo sự bứt phá trong thu hút ĐTNN nhưng thu hút một cách có lựa chọn, có trọng tâm trọng điểm trên nguyên tắc phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng mong muốn, các nhà ĐTNN cần triển khai đầu tư đúng cam kết, đúng tiến độ theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết, tạo sức lan tỏa tới DN trong nước, gắn đầu tư nước ngoài với thúc đẩy sản xuất trong nước… Đặc biệt phải đảm bảo lợi ích của người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu bảo vệ môi trường.
“Chúng ta đang tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, trong đó có tái cấu trúc về đầu tư. Trong tái cấu trúc về đầu tư có ĐTNN, chúng ta sẽ tìm ai chọn ai. Với dự án nào nói có dự án nào nói không… sẽ phải rất rõ ràng. Bộ Chính trị cũng sẽ có nghị quyết nói rõ về vấn đề này, xác định rõ đâu là lĩnh vực cần ưu tiên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tính đến tháng 11/2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án của các nhà đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. |