FLC và kỳ vọng 2018 Tre Việt sẽ cất cánh
Đầu tư tư nhân hướng vào hàng không | |
Vietjet ký kết hợp tác trị giá 4,7 tỷ USD trên đất Mỹ |
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vừa thông qua nghị quyết thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines). Viet Bamboo Airlines có 100% vốn của Tập đoàn FLC và sẽ là công ty sở hữu đối với hãng hàng không có tên thương mại là Bamboo Airways có vốn điều lệ là 700 tỷ đồng. FLC cử ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc FLC làm Tổng giám đốc Tre Việt.
Ảnh minh họa |
Liệu FLC có tham vọng quá không. Nếu chỉ xét về năng lực đầu tư, có nhiều doanh nhân Việt có khả năng tài chính, nhưng kinh doanh vận tải hàng không đòi hỏi nhiều điều kiện đặc thù về kỹ thuật, an toàn, an ninh… Và trên thị trường đã có nhiều bài học thất bại. Ngay ở Việt Nam, giai đoạn 2005-1010, nhà đầu tư tư nhân ào ạt xin cấp phép thành lập DN hàng không nhưng nhiều hãng được cấp phép rồi mà không đủ năng lực để bay, có hãng đã bay nhưng thua lỗ, phá sản như Indochina Airlines và Air Mekong.
Trở lại vấn đề của Tre Việt, ông Thắng cho biết trong tháng 6 này FLC sẽ chính thức nộp hồ sơ đến Cục Hàng không Việt Nam (HKVN). FLC đang làm việc với một loạt đối tác về việc mua sắm trang thiết bị và đã đi đến giai đoạn ký biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay. Số lượng máy bay cụ thể sẽ theo dự phê duyệt của Cục HKVN.
Nói về triển vọng, ông Thắng cho biết Bamboo Airways được định vị là hãng hàng không “hybrid” - loại hình vận chuyển hàng không mới trên thế giới có thể đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách với dịch vụ của một hãng hàng không truyền thống, với giá cả hợp lý - một hướng khai thác khác biệt so với các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam.
Bamboo Airways không tập trung vào các thành phố lớn đang quá tải hạ tầng hàng không mà tập trung vào các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các địa phương có dự án du lịch của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó là các đường bay nội địa kết nối các điểm trong nước như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn.... Như vậy sẽ tránh cho khách hàng phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết, và đánh thức tiềm năng của các sân bay địa phương khi tạo ra mạng bay kết nối các sân bay nhỏ hiện chưa hoạt động hết công suất. Từ đó góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của các sân bay địa phương, tránh được sự lãng phí rất lớn về hạ tầng sân bay địa phương (đều ở trong tình trạng thua lỗ vì công suất hoạt động thấp), ông Thắng cho biết.
Ở góc độ kinh tế thị trường, FLC đặt vấn đề khá phù hợp khi hướng đến việc mở đường bay thẳng từ nước ngoài hoặc trong nước đến các điểm du lịch mà Tập đoàn đã có khu quần thể nghỉ dưỡng. Nhưng, để đón máy bay quốc tế đến sân bay phải được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong khi những sân bay như Thanh Hoá, Quy Nhơn chỉ là sân bay nội địa, không đủ điều kiện cho khách quốc tế nhập cảnh.
Ở những địa phương có dự án của FLC, dung lượng thị trường không lớn, khó có thể bay hàng ngày mà khả năng chỉ khai thác vài ba chuyến bay/tuần. Trung bình một máy bay thương mại của hãng giá rẻ mỗi ngày phải vận hành 10-12 giờ, hãng truyền thống khai thác từ 8-10 giờ (do thời gian quay đầu tại các sân bay lâu hơn). Nếu thời gian khai thác ít hơn sẽ khó có hiệu quả.
Để vận hành, một hãng hàng không phải đáp ứng cùng lúc các yếu tố về kỹ thuật, an toàn, an ninh, phải tổ chức được bộ máy để vận hành cả quy trình này. Nhân sự quản lý hãng hàng không không khó tìm nhưng rất khó tìm được phi công và nhân sự kỹ thuật cao như thợ máy, kỹ sư... Hầu hết phi công ở các hãng là phi công nước ngoài. Còn người vì học chuyên ngành này cần ít nhất 5 năm, ra công tác 3 năm, tổng cộng phải mất 8 năm vừa học vừa làm mới đủ trình độ ký “thả” máy bay (ký hồ sơ cho máy bay đủ điều kiện cất cánh).
Ông Thắng rất tự tin trước kế hoạch của FLC và cho biết, Tre Việt đã xúc tiến xây dựng một bộ máy nhân sự gồm nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Trong tương lai, cùng với sự lớn mạnh của Bamboo Airways, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt chắc chắn cũng tính đến việc đầu tư nâng cấp các sân bay”. Ông cho biết, đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường trực tiếp ra sân bay dưới hình thức BT với một số địa phương như Bình Định, Thanh Hóa...
“Chúng tôi nhận thấy lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng máy bay của Việt Nam còn bó hẹp, với chỉ một số ít đơn vị đủ tiêu chuẩn, đủ năng lực để hành nghề. Đây cũng là lĩnh vực mà Cục Hàng không đang kêu gọi đầu tư. Ngành nghề đặc thù này đòi hỏi có diện tích lớn để thành lập các hang-ga, nhà kho cho tàu bay. Đó là lý do Tre Việt còn đăng ký kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà các loại, kinh doanh thương mại dịch vụ khác”, ông Thắng giải thích. Theo ông, như vậy đảm bảo tiềm năng phát triển trong dài hạn của Bamboo Airways không bị hạn chế.
“Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý và các điều kiện thuận lợi cho phép, chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2018, Bamboo Airways sẽ bắt đầu khai thác bay thương mại, đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch của Việt Nam như Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Quốc... “, ông Thắng nói.
Theo quy định hiện hành, hãng hàng không tham gia vận tải nội địa phải có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng, tham gia vận tải thị trường quốc tế phải có vốn tối thiểu 700 tỷ đồng. Trong quá trình nộp hồ sơ xin thành lập hãng hàng không, DN phải phong toả số tiền tương đương vốn điều lệ tại ngân hàng để chứng minh có đủ năng lực tài chính để kinh doanh hoạt động hàng không. 700 tỷ đồng là mức vốn tối thiểu để khai thác 10 tàu bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. |