Mở cánh cửa vào ngành hàng không vũ trụ
Trong bối cảnh đó, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba), Tập đoàn N&G Holdings, cùng với 10 doanh nghiệp hội viên ngành hàng không vùng Kobe (KAN) - Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản. Theo đó, các doanh nghiệp KAN và Hansiba thống nhất sẽ hợp tác về công nghệ, quy trình sản xuất, đặc biệt là chứng chỉ sản xuất toàn cầu. Việc đáp ứng được hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật và chất lượng đối với ngành công nghiệp chế tạo hàng không vũ trụ là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh kiện hàng không vũ trụ của thế giới.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc nỗ lực phát triển ngành hàng không vũ trụ khẳng định vị thế, tâm thế và sự sẵn sàng, cũng như khát vọng của doanh nghiệp Việt trong quá trình hội nhập với thế giới. Việc hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cùng nhau hợp tác - sản xuất – cung cấp dịch vụ sẽ đem lại kết quả tích cực khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo ông Takayuki Ishida, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư - Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (VI-JA CID), thị trường máy bay toàn cầu hiện nay tăng trưởng khoảng 14%/năm, nhu cầu máy bay thương mại trong 10 năm tới vào khoảng 36.000 chiếc. Thị trường này sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm khoảng 5% trong 20 năm tới. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới và số 1 ở Đông Nam Á. Những điều trên cho thấy cơ hội rất lớn để gia nhập ngành công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực hàng không, vũ trụ của Việt Nam. Nhưng chúng ta hiện chưa có nhà sản xuất nào tham gia vào lĩnh vực này, trong khi các hãng chế tạo máy bay lớn trên thế giới như Boeing và Airbus lại đang rất quan tâm đến vấn đề này tại Việt Nam.
Ông Onaga Masaru - Chủ tịch Công ty Onaga Việt Nam cho biết, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho ngành hàng không toàn cầu, các doanh nghiệp cần đạt được chứng nhận AS9100 bằng sự đầu tư về thời gian và nguồn lực. Chứng nhận này sẽ khẳng định chất lượng sản phẩm và sự nghiêm cẩn trong kiểm soát quá trình sản xuất, điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đáng tin cậy và cải thiện được niềm tin của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hansiba, ngành công nghiệp chế tạo linh phụ kiện cho lĩnh vực hàng không, vũ trụ tại Việt Nam tuy còn mới nhưng đang có những bước chuyển mình nhanh chóng và sẽ có tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Việc đáp ứng được Chứng nhận AS9100 là điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh kiện hàng không vũ trụ của thế giới. Theo thông tin từ Hansiba, Tập đoàn Boeing đã có thông điệp sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh kiện, hàng hóa cho tập đoàn này. Các tổ hợp sản xuất sẽ được đặt tại Việt Nam để các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các linh kiện chất lượng cao trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần hội đủ các điều kiện tiêu chuẩn quốc tế nói chung, ngành hàng không nói riêng mới có thể tham gia chuỗi cung ứng cho Boeing, trong đó Chứng nhận AS9100 là một tiêu chuẩn vô cùng cấp thiết.
Để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Nguyễn Hoàng khẳng định, Hansiba sẽ đồng hành cùng với doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động giao thương với các tổ chức, hiệp hội liên quan đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Hansiba cũng sẽ hợp tác với các đơn vị đối tác từ các quốc gia để trong việc tập huấn, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đạt được chứng chỉ sản xuất toàn cầu từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ.