FTA Việt Nam – Hàn Quốc: Tăng tính chủ động trong hội nhập
Ngày 5/5/2015 là mốc quan trọng khi hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (FTA). Quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc có tính bổ sung lẫn nhau. Kể từ khi thiết lập ngoại giao năm 1992, kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh từ 500 triệu USD lên hơn 26 tỷ USD vào năm 2014. Đây là FTA thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng, hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, hướng tới mục tiêu kim ngạch 70 tỷ USD vào năm 2020, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn tại thị trường Hàn Quốc, nhất là trong các lĩnh vực như nông thủy sản, dệt may…
Mặt hàng thủy sản là điểm mạnh của DN Việt xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc |
Riêng trong lĩnh vực thủy sản sau gần 1 tháng ký kết hiệp định đã có những tiến triển rõ rệt. Hàng năm ngành thủy sản Việt Nam đã có khoảng 280 DN xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc. Một số mặt hàng thủy sản của nước ta xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu đã được hưởng thuế suất bằng 0 hoặc giảm mạnh theo Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN–Hàn Quốc. Tuy nhiên với xu hướng tăng cường sản xuất sản phẩm chế biến sẵn và giá trị gia tăng, Việt Nam hy vọng việc ký kết FTA với Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ tạo thêm điều kiện cho thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường nước này bằng việc cắt giảm thuế suất xuất nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Agrex Sài Gòn chia sẻ, Việt Nam và Hàn Quốc đã có mối quan hệ thương mại khá lâu đời, đặc biệt các mặt hàng thủy sản Việt Nam khá phổ biến ở Hàn Quốc. Hiện tại, Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho quốc gia này, chỉ sau Trung Quốc và Nga. Các mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang Hàn Quốc là tôm, nhuyễn thể (mực, bạch tuộc), các loài có vỏ và các mặt hàng hải sản đã qua chế biến, cũng như hải sản khô.
Lượng tiêu thụ thủy sản bình quân trên đầu người hàng năm tại Hàn Quốc đạt mức rất cao, do người dân “xứ sở kim chi” có truyền thống lâu đời về ẩm thực thủy sản, và coi đây là nguồn thực phẩm lành mạnh có lợi cho sức khỏe. Họ rất coi trọng xuất xứ, vị ngon và độ tươi của thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay giá thành và tính an toàn thực phẩm đang là những yếu tố được quan tâm nhiều khi quyết định mua hàng. Đồng thời chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến khích, người dân tiêu thụ thủy sản nhiều hơn dùng các loại thịt đỏ. Chính vì vậy, các DN Việt Nam luôn chú trọng cung ứng nhiều loại sản phẩm phong phú về chủng loại, chất lượng được nâng cao và ngày càng chú trọng hơn đến công nghệ chế biến...
Việc ký kết FTA với Hàn Quốc sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho thủy sản của Việt Nam xuất sang quốc gia này. Tuy nhiên, DN xuất khẩu cũng không chủ quan mà luôn chuẩn bị sẵn cho cuộc hội nhập, bởi cùng với thuận lợi về thuế suất thì đồng thời cũng sẽ có thêm nhiều rào cản về kỹ thuật cần phải vượt qua.
Về góc độ hải quan, ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Giám sát về Hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, trong quý I/2015, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 8,32 tỷ USD (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái), và dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ tăng mạnh lên hàng chục tỷ USD. Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết mới chưa đầy tháng nên chưa thể đánh giá tác động, nhưng với tính chất toàn diện và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia, kỳ vọng những mục tiêu đặt ra sẽ đạt được.
Có thể nói, từ trước đến nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc diễn ra khá thuận lợi. Những hàng hóa DN Việt Nam xuất đi Hàn Quốc chủ yếu là may mặc, da giày, nông thủy sản. Ngược lại, hàng hóa, sản phẩm “made in Korea” nhập về Việt Nam chủ yếu là mặt hàng nguyên phụ liệu, máy vi tính, linh kiện điện tử, máy móc, nhựa... với cán cân thương mại nghiêng về phía Hàn Quốc. Dự kiến, khi nhiều mặt hàng giảm thuế suất xuống còn 0%, hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất đi nhiều hơn. Tuy nhiên, các DN cũng phải cẩn trọng hơn với các hàng rào phi thuế quan. Riêng về lĩnh vực hải quan, giữa 2 nước cũng thường xuyên có sự giao lưu học hỏi, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật hải quan Việt Nam nâng cao trình độ, hội nhập quốc tế.
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Đồng Văn Quảng, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho rằng, Hàn Quốc là quốc gia chủ yếu nhập khẩu cà phê nguyên liệu của Việt Nam (chiếm 40% thị phần cà phê nhân của Hàn Quốc). Song, với FTA lần này, nhiều DN cà phê trong nước kỳ vọng sẽ mở cửa hơn nữa cho cà phê đã qua chế biến. Vì vậy, hiện nay nhiều DN đã củng cố, đầu tư xây nhà máy cà phê chế biến với công nghệ hiện đại, hy vọng với FTA lần này sẽ thúc đẩy không chỉ tăng về sản lượng cà phê thô, mà còn chú trọng hơn đến cà phê đã qua chế biến, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Hàn Quốc và thu về giá trị gia tăng cao.
Vừa qua, Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa) cùng một đoàn DN cà phê Việt Nam sang tham dự hội chợ Coffee Expo tại Seoul Hàn Quốc và gặp gỡ rất nhiều DN nhập khẩu cà phê Hàn Quốc. Dự kiến đầu tháng 8/2015 sẽ xúc tiến mạnh hơn nữa giao thương, ký kết giữa DN 2 nước trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê. Nhìn về tương lai, cơ hội xuất khẩu cà phê sang thị trường Hàn Quốc là rất khả quan và rộng mở.
Quan điểm của các DN tỏ rõ sự lạc quan khi FTA được ký kết song bên cạnh đó cũng còn rất nhiều thách thức đang đón chờ ở phía trước. Ông Nguyễn Sơn, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Hợp tác Kinh tế Quốc tế nhận định: “Những lợi ích từ mức thuế suất thấp chưa đủ hấp dẫn các DN do các chi phí về chứng nhận xuất xứ cũng như chi phí hải quan gia tăng lên”. Việc xác định đúng mã HS cho sản phẩm cũng là một trở ngại lớn trong việc tính toán nội hàm giá trị khu vực (Region Value Content-RVC)…
Bên cạnh những mối lo ngại trong tương lai của FTA, hiện nay xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc cũng không còn dễ dàng như trước. Thị trường đưa ra yêu cầu cao hơn về chất lượng và tính đồng đều. Người tiêu dùng đòi hỏi những sản phẩm chế biến sẵn có hình thức và phẩm cấp gần tương đương như ở thị trường Nhật Bản, mặc dù giá mua hàng của Hàn Quốc thường khá thấp so với các thị trường lớn khác.
Gần đây nhất, Hàn Quốc có ý định áp dụng biện pháp kiểm tra Ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu vào nước này. Riêng đối với mặt hàng cá bò khô tẩm gia vị, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất và từ tháng 7/2012, họ chỉ cho phép 11/28 DN được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc, trong đó có 3 cơ sở được phép nhập khẩu thông thường, hai cơ sở được nhập khẩu hạn chế và 6 cơ sở chỉ được phép nhập khẩu có điều kiện. Để phát triển bền vững, các DN phải vượt qua đợt kiểm tra để có thể tăng cường xuất khẩu mặt hàng truyền thống này.