Gạch không nung: Người sử dụng vẫn thiếu tự tin
Gạch không nung gặp khó | |
Doanh nghiệp gạch ốp lát: Đang có sự phân hoá mạnh |
6 năm thực hiện Chương trình phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm chính (gạch block ximăng cốt liệu, bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt) đến năm 2015 đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm; sản xuất đạt 5,8 tỷ viên, chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2015, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Ảnh minh họa |
Đối với việc tiêu thụ VLXKN năm 2016, tổng các loại khoảng trên 5,5 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Quan trọng hơn, kết quả này đang góp phần vào kế hoạch tiết kiệm khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp hàng năm, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Nhìn lại hành trình phát triển gạch không nung từ năm 2010, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết, thị trường BĐS phát triển dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây ở nước ta tăng nhanh. Theo quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 thì nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng là 30-33 tỷ viên quy tiêu chuẩn, sẽ tiêu tốn khoảng 50 triệu m3 đất sét, tương đương 2.200 - 2.500 ha đất nông nghiệp.
Điều này ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; đồng thời tiêu tốn khoảng 5 triệu tấn than, thải ra khoảng 15 triệu tấn khí CO2, tác động xấu đến môi trường sống.
“Như vậy, để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây tăng khoảng 10-12%/năm sẽ tiêu tốn hàng nghìn ha đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm”, ông nói và cho biết đây là lý do để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020" tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010.
Từ Quyết định 567/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch triển khai, hỗ trợ phát triển sản xuất, sử dụng VLXKN; hạn chế việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Cùng với đó là sự hưởng ứng tích cực của nhà đầu tư, DN tham gia sản xuất VLXKN.
Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển liên hợp quốc UNDP và quỹ môi trường toàn cầu GEF thực hiện dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”. Đây là dự án có đóng góp to lớn cho việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển gạch không nung.
Điển hình, là năm 2016, Bộ Xây dựng đã sửa đổi Nghị định 124 về Quản lý vật liệu xây dựng, được Chính phủ ban hành mới Nghị định số 24a ngày 22/4/2016 về Quản lý vật liệu xây dựng. Khung chính sách đã mang lại sự phát triển và sử dụng tốt gạch không nung ở một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương và Bắc Ninh.
Với những kết quả ấn tượng trong việc thực hiện Chương trình Phát triển VLXKN và tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ gạch không nung đạt 30 - 40% vào năm 2020 và mục tiêu dài hạn 70-80%, bà Akiko Fujii, Phó giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Phát triển và sử dụng gạch không nung là một trong những bước cần thiết để đạt được mục tiêu của các chính sách hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”.
“Tuy nhiên, những thách thức vẫn tồn tại trên thị trường gạch nói chung và khung chính sách như thiếu các tiêu chuẩn và hướng dẫn sử dụng gạch không nung và chất lượng gạch của một số nhà máy không tốt. Điều này dẫn đến sự thiếu tự tin của người sử dụng”, bà Akiko Fujii cho biết.
Chính vì vậy, để gạch không nung thực sự đi vào cuộc sống, bà Akiko Fujii khuyến khích cần tiếp tục hoàn thiện và xây dựng các tiêu chuẩn đồng bộ và hướng dẫn sử dụng gạch không nung, bao gồm các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử nghiệm… Đào tạo, đào tạo lại và chia sẻ kinh nghiệm cũng rất quan trọng để hỗ trợ tất cả các tỉnh thực hiện có hiệu quả và áp dụng các chính sách và hướng dẫn này.
Đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét dùng để sản xuất gạch ngói, nhằm tạo cân bằng giữa giá thành VLXKN và gạch đất sét nung.
Đồng thời, nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ về đầu tư xây dựng công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng; ban hành quy định chế độ báo cáo đối với các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư các công trình xây dựng thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng VLXKN.
Khuyến khích các tỉnh hoàn thiện cơ chế sử dụng gạch không nung, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề nghị các tỉnh có chính sách quản lý chặt chẽ sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung.
Ngoài ra, cần ban hành đồng bộ, cụ thể hóa các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo tiêu chí cụ thể. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà UBND các tỉnh, thành đã ban hành.