Doanh nghiệp gạch ốp lát: Đang có sự phân hoá mạnh
Nhiều sản phẩm ấn tượng tại triển lãm quốc tế Vietbuild Đà Nẵng 2017 | |
Nhiều sức ép lên ngành Vật liệu xây dựng |
Ảnh minh họa |
Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tới năm 2016, tổng công suất ngành gạch ốp lát đạt 500 triệu m2/năm. Trong đó, 84% công suất là mặt hàng ceramic (420 triệu m2/năm), 12% là granite (60 triệu m2/năm) và còn lại là các loại gạch khác như cotto, porcelain. Đáng nói là các DN phía bắc gần đây đã bứt phá mạnh mẽ hơn so với các DN phía nam.
Nguyên nhân được CTCK Vietcombank (VCBS) có thể lý giải một phần là bởi khu vực khai thác nguyên liệu chủ yếu nằm ở khu vực Đông Bắc bộ và theo quy hoạch của Bộ Xây dựng, khu vực Đồng bằng Sông Hồng sẽ là khu vực sản xuất gạch lớn nhất cả nước. Quan trọng hơn là người tiêu dùng ở phía bắc có xu hướng sử dụng gạch nhiều hơn phía nam.
Sự phân hoá hiệu quả hoạt động của DN ngày càng rõ theo xu hướng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản phẩm của ngành gạch. Hiện lãnh đạo các DN ngành gạch đều nhận định gạch ceramic bắt đầu tiến vào giai đoạn bão hòa và có chủ trương chuyển đổi sang sản xuất gạch granite và cotto.
Chiến lược bán hàng cũng góp phần tạo sự phân hoá giữa các DN này. Ví như 3 công ty lớn nhất của Viglacera bao gồm VIT, TLT, VHL đảm bảo an toàn đầu ra và tiết giảm được chi phí bán hàng khi đánh đổi 1 phần doanh thu cố định để bao tiêu sản phẩm bằng việc góp vốn thành lập 1 công ty thương mại để làm nhiệm vụ bán hàng (do TCT Viglacera quản lý). Trong khi đó các DN tự bán hàng thông qua hệ thống đại lý cạnh tranh nên chi phí sẽ điều chỉnh theo thị trường. Riêng, CTCP CMC (CVT) do đã có quan hệ truyền thống với đại lý, bởi vậy chi phí bán hàng luôn ở mức thấp.
Những yếu tố này đã phản ánh rõ hơn trong bức tranh kinh doanh của các DN trong ngành. Ví như CTCP Viglacera Tiên Sơn (VIT) với dòng sản phẩm gạch Granite đã ghi doanh thu thuần năm 2016 tăng 41,5% so với cùng kỳ 2015 đạt 965,2 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế còn có mức tăng cao hơn tới 49% so với cùng kỳ năm 2015 đạt 71,6 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng chính của công ty đến từ sản lượng đóng góp tại nhà máy Thái Bình 2 đã chạy tối đa công suất trong năm đầu tiên.
Với CVT, năm 2016 ghi nhận bứt phá lớn trong hoạt động kinh doanh. Doanh thu của công ty ghi nhận 1189,56 tỷ đồng tăng 64% so với cùng kỳ 2015. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của CVT bằng 236% so với năm 2015 đạt 190 tỷ đồng, lãi cơ bản/cổ phiếu là 7.527 đồng trong khi con số này của năm trước là 2.970 đồng.
Triển vọng ngành gạch ốp lát tiếp tục sáng khi dư địa tăng trưởng vẫn mở với những dự án mới xây dựng trong năm 2015-2016 đi vào hoàn thiện. Cùng với đó là nguồn cung BĐS tại Hà Nội được Savills dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định ở các phân khúc văn phòng (9%), căn hộ (4%), biệt thự (10%), đặc biệt là các Shophouse đang được xây dựng, tạo ra động lực tiêu thụ trong thời gian tới đối với các sản phẩm gạch ốp lát khu vực phía bắc.
Việc ngành vẫn đang được bảo hộ với mức thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm gốm sứ xây dựng vẫn chịu mức thuế suất nhập khẩu cao cũng đang giúp cho các DN nội địa duy trì được giá bán ở mức cao cũng như khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Theo quy hoạch từ Bộ Xây dựng, tới năm 2020, công suất gạch granite phải tăng từ 60 triệu m2/năm (2016) đạt tới 140 triệu m2/năm, tương đương với mức tăng trưởng kép đạt 23,5%/năm. Tuy nhiên, Bộ cũng tạo ra rào cản gia nhập ngành với yêu cầu công suất tối thiểu để được cấp phép xây dựng mới là 6 triệu m2/năm với công nghệ lò Tuynel. Như vậy chi phí tối thiểu để đầu tư ban đầu lên đến khoảng 500-600 tỷ đồng.
“Theo đó, chúng tôi cho rằng, đây là một cơ hội tốt để những DN gạch ốp lát granite trên sàn đầu tư và mở rộng thêm từ công suất ban đầu”, báo cáo của VCBS nhìn nhận.
Câu chuyện phát triển của các DN gạch vì thế sẽ phụ thuộc khá nhiều vào công suất tăng thêm từ nhà máy mới, hiệu suất cải thiện của nhà máy, tiết giảm chi phí.
Ví như VIT, trong quý I/2017, VIT đã hoàn tất việc mua lại và cải tạo nhà máy gạch men Mỹ Đức tại Vũng Tàu, sản xuất gạch granite với công suất 2,5 triệu m2/năm. Tổng chi phí đầu tư là 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ cho ra sản phẩm trong tháng 6/2017 và dây chuyền 2 (công suất 1 triệu m2/năm) bắt đầu sản xuất từ tháng 7/2017. Việc mua lại và cải tạo nhà máy Mỹ Đức sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho doanh thu và lợi nhuận của VIT trong năm nay, mở rộng thị trường tiêu thụ xuống phía nam thuận lợi và nhanh chóng.
Với CTCP Viglacera Hạ Long (VHL), sản phẩm gạch ngói và cotto đang tăng trưởng tốt. Việc tăng công suất từ nhà máy gạch clinker và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang gạch ngói có biên lợi nhuận cao hơn cùng với sản phẩm được bao tiêu, cũng trở thành những điểm nhấn khi xem xét đầu tư cổ phiếu này.
Hay như với CVT, việc mở rộng nhà máy CMC2-2 với sản phẩm gạch granite thấm muối tan, công suất 3 triệu m2/năm trong năm 2017 cùng với dư địa từ tăng công suất vẫn còn, ưu thế vượt trội trong máy móc linh hoạt và khả năng bán hàng tốt cũng là một trong những lợi thế.
Tuy nhiên, các DN gạch cũng sẽ phải đối mặt với áp lực giá gạch giảm với việc cạnh tranh từ các DN nước ngoài có quy mô vốn lớn và chi phí sản xuất tăng từ than cùng với việc trích khấu hao nhanh các nhà máy sẽ khiến biên lợi nhuận giảm.