Gạo Việt vẫn đuối về giá
DN Việt trúng thầu 175.000 tấn gạo bán cho Philippines | |
Xuất khẩu gạo trước cơ hội bứt phá | |
Xuất khẩu gạo chưa vội mừng |
Nhiều cơ hội
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ nay đến quý III/2017, ngành gạo Việt Nam không phải loay hoay với việc giải quyết đầu ra cho lúa gạo. Đơn cử thị trường Philippines, ngoài việc các DN Việt Nam đã trúng thầu 175.000 tấn gạo, quốc gia này đang có nhu cầu nhập khẩu thêm để củng cố tồn kho dự trữ đảm bảo an ninh lương thực theo quy định.
Hay đối với thị trường Bangladesh, Bộ Công Thương vừa nhận được công hàm của Đại sứ quán Bangladesh về việc Tổng cục Lương thực (Bộ Lương thực) nước này thông báo mời thầu nhập khẩu 50.000 tấn gạo đồ non - basmati, mở cho tất cả các nhà thầu quan tâm cả trong và ngoài nước. Đây sẽ là cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới.
Cùng với đó, các thị trường như Sri Lanka, Trung Quốc, Ấn Độ đang thăm dò tìm nguồn cung cấp gạo từ Việt Nam.
Gạo Việt cần chuyển dịch cạnh tranh từ gạo chất lượng trung bình lên gạo chất lượng cao |
Như vậy, đầu ra của xuất khẩu gạo năm nay không đáng quan ngại, nhưng điều cần phải bận tâm là giá. Trên thực tế, theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2017 ước đạt 465 nghìn tấn với giá trị đạt 201 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,3 triệu tấn và 1,5 tỷ USD, tăng 15,7% về khối lượng và tăng 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, xét về giá, giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng năm 2017 đạt 444,6 USD/tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, trong tháng 5/2017, giá gạo 5% của Việt Nam chào bán chỉ ở mức 350-354 USD/tấn thì gạo Thái Lan đã ở mức 390 USD/tấn, gạo Ấn Độ 388 USD/tấn, Pakistan dao động 408-412 USD/tấn.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu gạo Việt bị định giá thấp hơn các nước đối thủ. Nếu lấy giá gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan giai đoạn 2003-2016 để so sánh có thể thấy, trong suốt thời gian này giá gạo của Thái Lan luôn cao hơn đáng kể so với giá gạo cùng loại xuất khẩu của Việt Nam.
Mức giá xuất khẩu loại này của Việt Nam dao động từ 161,5 - 426 USD/tấn. Đối với Thái Lan, mức giá này dao động từ 176 - 603 USD/tấn. Có thời điểm năm 2008, giá xuất khẩu gạo này của Thái Lan cao gần gấp đôi giá gạo xuất khẩu cùng loại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nếu xem xét thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể thấy, các nước trong ASEAN như Indonesia, Philippines là nước nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc và một số nước châu Phi cũng là đối tác nhập khẩu chính gạo Việt Nam với yêu cầu không quá cao về chất lượng. Tuy nhiên, những hàng rào kỹ thuật mới về kỹ thuật gieo trồng đóng gói bao bì, bảo quản cũng như những đòi hỏi về chất lượng gạo đang làm giảm dần nhu cầu nhập khẩu gạo cấp thấp của Việt Nam so với gạo của Thái Lan cùng loại.
Chuyển hướng sang gạo cấp cao
Do đó, để cạnh tranh, gạo Việt cần chuyển dịch cạnh tranh từ gạo chất lượng trung bình lên gạo chất lượng cao. Ông Sergio Araujo, Ban Thương mại và Thị trường của FAO Rome khuyến nghị, để cạnh tranh, gạo Việt cần phải chuyển từ phân khúc lúa gạo cấp thấp sang xây dựng thương hiệu lúa gạo cấp cao. Theo đó, chú trọng xây dựng thương hiệu Việt so với các thương hiệu lúa gạo của các quốc gia khác. Đồng thời, lực lượng nông dân sản xuất chủ yếu loại hàng hoá này phải có sự cải tiến nhất định về phương pháp.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ, thời gian gần đây, sản xuất lúa gạo kém bền vững vì chất lượng sản phẩm thấp, chuỗi giá trị lúa gạo rất nhiều bất cập, dẫn đến cạnh tranh kém trên thị trường trong bối cảnh người tiêu dùng cần sản phẩm xanh, sạch và thân thiện môi trường.
"Cách tiếp cận thông minh về thị trường, về giống, về quản lý dinh dưỡng, sâu bệnh, về quản lý nhà nước, về tham gia cộng đồng... cần được đặt ra nhằm phát triển các chiến lược và chính sách lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam và vùng ĐBSCL trong tương lai", ông Sánh cho biết thêm.
Ở góc độ DN, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cũng chia sẻ, kết quả qua 9 vụ trồng lúa từ Hè Thu 2014 đến Đông Xuân 2016-2017 trong vùng nguyên liệu theo hướng ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí 7,1%, giảm giá thành sản phẩm 7,6%; gia tăng giá bán 8,1%; gia tăng lợi nhuận 31,2%.
Ông Thòn cho biết, lợi nhuận gia tăng 3,39 triệu đồng/ha/vụ. Với khoảng 4 triệu ha gieo trồng mỗi năm, nếu áp dụng toàn bộ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, toàn vùng ĐBSCL tăng thêm được 13.560 tỷ đồng lợi nhuận hàng năm.
Động thái mới đây của Bộ Công Thương cũng đang cho thấy quyết tâm chuyển lượng thành chất của ngành lúa gạo. Theo đó, Bộ Công Thương vừa công bố Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ, giai đoạn từ 2017-2020 lượng gạo xuất khẩu hàng năm đạt 4,5-5 triệu tấn, thu về 2,2-2,3 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn, trị giá 2,3-2,5 tỷ USD/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, theo Bộ Công Thương, trước hết sẽ thay đổi cơ cấu gạo xuất khẩu. Cụ thể, đến năm 2020, gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo Japonica chiếm 30%, gạo nếp 20%, các loại gạo khác khoảng 5%. Đến năm 2030, tỷ lệ gạo trắng thường chỉ chiếm 25%, gạo phẩm cấp trung bình dưới 10%, gạo Japonica chiếm 40%, gạo nếp 25%, gạo dinh dưỡng khác khoảng trên 10%.