Gia tăng giá trị kinh tế vùng (Kỳ II)
Gia tăng giá trị kinh tế vùng (Kỳ I) | |
Agribank thúc đẩy kinh tế vùng | |
Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL: Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư |
Kỳ II: Liên kết để tạo sức mạnh
“Những cánh tay nối dài” đang phát huy hiệu quả
Từ mô hình hiệu quả của gia đình ông Đỗ Văn Thum, nhiều hộ nông dân trong xã đã chuyển sang trồng khoai lang xuất khẩu và đang phát huy hiệu quả. Cũng tương tự như vậy, từ mô hình trồng bưởi da xanh hiệu quả của ông Đàm Văn Long, nhiều bà con xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã chuyển đổi mô hình sang trồng bưởi thành công, tạo thành một vùng chuyên canh bưởi đặc sản ở Bến Tre.
Ông Trần Cảnh Tân - Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết, hiện nay tổng dư nợ của Agribank trên địa bàn là 110 tỷ đồng, Agribank luôn chủ động đến với bà con nông dân, đáp ứng đầy đủ về vốn theo nhu cầu của bà con. Đó là nhờ hiệu quả của mô hình tổ vay vốn - những mắt xích quan trọng tại các xã, huyện ở các tỉnh miền Tây, là những trợ thủ đắc lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách của Agribank tới tận tay người dân có nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong nhiều năm qua, mô hình tổ vay vốn - cánh tay nối dài của Agribank đã vươn tới hầu hết các địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ vay vốn đã thực sự phát huy hiệu quả, khơi thông nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại các địa phương. Hiện nay, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank toàn khu vực Tây Nam bộ là 116.763 tỷ đồng, chiếm 90,9%/tổng dư nợ.
Tính đến tháng 3/2018, dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP trong toàn khu vực là 79.436 tỷ đồng với 682.334 khách hàng còn dư nợ, chiếm 61,8% tổng dư nợ. Năm 2017, mặc dù tình hình kinh tế, xã hội của cả nước nói chung cũng như khu vực Tây Nam bộ nói riêng còn gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, các chi nhánh trong khu vực đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt một số chỉ tiêu, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh tại khu vực, đặc biệt đẩy mạnh phương thức cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với các tổ chức đoàn thể tại địa phương (UBND xã, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ), qua đó tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, giảm tải cho cán bộ tín dụng và hạn chế rủi ro.
Lãnh đạo Agribank chi nhánh Tiền Giang cho biết, Agribank đã tranh thủ được sự chỉ đạo của chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố cũng như của các cấp Hội, đặc biệt là Hội Nông dân trong việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thông qua việc ký kết văn bản phối hợp liên ngành giữa Agribank chi nhánh tỉnh với Hội Nông dân tỉnh. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với quy định mức vay không có bảo đảm bằng tài sản nâng lên đã tạo điều kiện cho các hộ SXKD nhỏ lẻ có thể vay đủ vốn để đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. NH đã cơ cấu nguồn vốn cho vay, suất cho vay theo hướng ngày càng tăng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện phát triển mô hình SXKD tập trung, phát triển kinh tế trang trại và phát triển ngành nghề, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 55 của toàn tỉnh là 8.501 tỷ đồng, tăng 1.032 tỷ đồng so với đầu năm; tổng số khách hàng vay vốn là 81.814 khách hàng. Tại tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo các chi nhánh Agribank thường xuyên tham dự các cuộc họp Hội đồng Nhân dân (HĐND), tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh. Qua đó, cán bộ ngân hàng tiếp thu ý kiến của đại biểu HÐND và kiến nghị của cử tri, đồng thời giải đáp những vấn đề liên quan như thủ tục vay, mức vay, thời hạn vay, điều kiện cho vay, cung cấp thông tin, chính sách mới của NH cho người dân.
Từ góp ý của người dân, Agribank các chi nhánh khu vực Tây Nam bộ tích cực phối hợp với các đoàn thể triển khai mô hình cho vay qua tổ vay vốn. Ðến nay đã thành lập gần 2.000 tổ vay vốn với hơn 35 nghìn thành viên, chủ yếu thông qua Hội Nông dân. Tại huyện Gò Công Tây của tỉnh Tiền Giang, phần lớn người dân sống bằng nghề nông, với sự hỗ trợ của các cấp hội cùng với nguồn vốn tín dụng của Agribank, trong những năm qua, người dân trên địa bàn đã tận dụng triệt để việc chuyển dịch và thay đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều loại cây hoa màu đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện Gò Công Tây như cây dưa hấu, cây ớt (xã Bình Nhì, xã Yên Luông), cây thanh long (xã Đồng Sơn), cây mãng cầu xiêm (xã Long Vĩnh)...
Quy hoạch vùng cây đặc sản rất cần sự liên kết các nhà
Chia sẻ về nghề trồng khoai lâu năm của gia đình, ông Thum bày tỏ mong muốn thương hiệu khoai lang Bình Tân sớm có chỗ đứng trên thị trường, khẳng định được giá trị thương hiệu nông sản đặc trưng, qua đó đời sống của những người nông dân trồng khoai như ông được nâng lên đáng kể, góp phần phát triển kinh tế địa phương và đóng góp vào sự thay đổi diện mạo nông thôn.
Bản thân ông Long cũng chia sẻ mong muốn về việc hình thành vùng chuyên canh cây đặc sản tại huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Đó không chỉ là nguyện vọng của cá nhân ông Long mà đông đảo bà con nông dân làm nông nghiệp tại địa phương đều muốn tham gia tổ liên kết trồng bưởi có quy mô nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhau về mọi mặt, hướng tới chuyên môn hóa sản xuất với quy mô lớn.
Bà Phan Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Tân - Vĩnh Long cho biết: Riêng với cây khoai lang, huyện đã có chủ trương và ra nghị quyết tạo thương hiệu riêng cho khoai lang Bình Tân. Tuy nhiên hiện nay, mô hình trồng khoai lang ngay tại xã Thành Trung và nhiều xã lân cận trong huyện còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết để hình thành vùng chuyên canh trồng khoai lang với quy mô lớn. Đặc biệt khâu đầu ra cho sản phẩm còn hạn hẹp khi phần lớn người trồng khoai ở xã Thành Trung nói riêng và cả huyện Bình Tân nói chung đều xuất bán dưới dạng thô và lệ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Tới mùa thu hoạch rộ, nhiều thương lái làm tiểu xảo - ép giá hoặc hạn chế thu mua, làm cho người trồng khoai lâm vào cảnh sống dở chết dở. Một số bà con ở đây cho biết, có lúc khoai rớt giá chỉ còn 500 ngàn đồng/tạ, người nông dân lâm vào cảnh trồng trọt thua lỗ, thất bát.
Thực tế cho thấy, nghề trồng trọt cây trái và hoa màu tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và huyện An Khánh, tỉnh Bến Tre nói riêng cũng như phát triển nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nam bộ nói chung trải qua khá nhiều thăng trầm. Cứ vài ba vụ được mùa, được giá, thì bà con lại gặp cảnh dội hàng, dội chợ. Do hạ tầng giao thông còn yếu kém, nên hầu hết các địa phương chưa thu hút được nhà đầu tư vào thu mua và chế biến sản phẩm. Vì vậy, việc chứng nhận bảo hộ thương hiệu riêng cho các nông sản, đặc sản địa phương sẽ là cơ hội cho bà con nông dân được làm ăn theo chuỗi liên kết hiệu quả, đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từ đó hình thành mô hình chuyên canh cây nông nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn tại địa phương.
Để góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tại tỉnh Bến Tre, Agribank đã triển khai mô hình cho vay theo chuỗi liên kết các sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất, nhà cung ứng đầu vào - đầu ra và ngân hàng đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh (gồm 8 loại cây, con theo Nghị quyết 03-NQ/TU của tỉnh ủy Bến Tre). Đến nay, chi nhánh đã ký hợp đồng tham gia 11 chuỗi liên kết, gồm 7 chuỗi thủy sản, 3 chuỗi trái cây, 1 chuỗi nuôi bò; đã thực hiện giải ngân cho 4 khách hàng với doanh số giải ngân là 5,45 tỷ đồng, hiện còn dư nợ 700 triệu đồng.
Ông Lê Văn Nê - Phó Chủ tịch UBND phụ trách kinh tế của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết: hiện nay trên địa bàn xã đang diễn ra tích cực quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng và đã hình thành nên các mô hình liên kết cánh đồng lớn, 3 hợp tác xã chuyên canh về hoa màu áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap, có đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Và hình thành mối quan hệ mắt xích chặt chẽ giữa người nông dân, DN, nhà khoa học và NH.
Tuy nhiên, nhìn chung việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp tại các tỉnh khu vực Tây Nam bộ vẫn đang là nỗi mong mỏi của bà con nông dân, đồng thời là vấn đề còn gây nhiều trăn trở với các nhà làm chính sách, trong đó Agribank với vai trò là đầu tàu cung ứng vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban ngành của trung ương và địa phương để sớm mở đường cho nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường và mang lại nguồn lợi kinh tế cao.
Do đó, việc xây dựng chuỗi liên kết hoàn chỉnh 6 nhà trong sản xuất nông nghiệp bao gồm: Nhà nông, Nhà nước, Nhà đầu tư, Nhà băng, Nhà khoa học và Nhà phân phối là giải pháp hiệu quả cho vấn đề tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch vùng cây ăn trái và hoa màu đặc sản tại miền Tây, góp phần thúc đẩy khu vực Tây Nam bộ vươn lên phát triển và xứng tầm với tiềm năng và quy mô của khu vực.