Gian nan cuộc chiến chống hàng giả
Thuế không phải là nguyên nhân phát sinh hàng kém chất lượng, hàng giả | |
Cuối năm, lại "nóng" hàng gian, hàng giả | |
Hàng giả vẫn... nóng |
Là một DN chuyên sản xuất và kinh doanh dây cáp điện, Công ty CADIVI cũng như nhiều DN sản xuất kinh doanh chân chính đã nhận thức được việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho thương hiệu của mình, nghiêm túc đầu tư thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến để làm ra nhiều mặt hàng có chất lượng, giá cả cạnh tranh, phù hợp với người tiêu dùng, với bao bì hàng hoá luôn được cải tiến hoặc dán tem chống giả để tránh bị làm giả.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhờ sự hỗ trợ của Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo thuộc Cục hải quan tỉnh Quảng Trị, đơn vị này đã phát hiện ra hiện tượng giả nhãn mác mang thương hiệu CADIVI để đưa hàng qua cửa khẩu, sử dụng nhãn mác giả để dán lên sản phẩm nhiều lần nhằm hưởng lợi từ việc trốn thuế.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) đang diễn biến phức tạp là nguy cơ lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư sản xuất, sức khỏe, tính mạng của con người.
Giai đoạn 2012 – 2015, lực lượng cảnh sát kinh tế từ Trung ương đến địa phương đã phát hiện tổng số 2.047 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT, đã khởi tố 381 vụ, 553 bị can; chuyển xử lý hành chính 1.564 vụ, phạt tổng số tiền 28,5 tỷ đồng. Hàng hóa thu giữ gồm: khoảng 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; 6.500 sản phẩm rượu ngoại các loại; 26.292 sản phẩm thuốc tân dược; 80.900 tấn phân bón…
Đặc biệt, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng đã và đang diễn ra hết sức phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn trong cả nước. Lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, bắt giữ khởi tố điều tra nhiều vụ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong quá trình xử lý theo Bộ Công an là Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 có quy định các tội về hàng giả nhưng chưa có định nghĩa chính thống về hàng giả để làm căn cứ xử lý hình sự đối với loại tội phạm này. Nếu như áp dụng khái niệm hàng giả theo Nghị định 185/2013 CP-NĐ hay Nghị định 08/2013/NĐ-CP như trên thì cơ quan điều tra sẽ có nhiều thuận lợi cho việc điều tra, xử lý các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả; tuy nhiên không thể áp dụng khái niệm này trong xử lý hình sự về các vụ việc sản xuất buôn bán hàng giả vì đây là khái niệm quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Do vậy, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất nhận thức, hoàn thiện các quy định pháp luật về hàng giả và tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả làm cơ sở định hướng thống nhất trong công tác xử lý.
Công an, quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành, Hải quan, Bộ đội Biên phòng cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ có hiệu quả trong phát hiện, đấu tranh với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT từ khâu nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường. Đối với các DN cần nâng cao hiệu quả bảo vệ thương hiệu của mình, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan thực thi bảo vệ quyền SHTT nhằm phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh đạt kết quả cao.
Phía DN đề nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan chuyên ngành cần có sự vào cuộc quyết liệt, thiết lập đường dây nóng để người dân khi mua phải hàng giả, hàng nhái có thể kịp thời tố cáo. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra và có những biện pháp chế tài mạnh hơn nữa, mang tính chất răn đe những đối tượng làm hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm SHTT để góp phần gia tăng nhận thức của người dân tránh tâm lý vì ham giá rẻ mà sẵn sàng tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái trên thị trường.