Cuối năm, lại "nóng" hàng gian, hàng giả
Hàng giả vẫn... nóng | |
Tập trung cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết |
Đảo quanh một số trung tâm thương mại, chợ Bến Thành, Bình Tây, An Đông, Saigon Square, Lucky Plaza... người có nhu cầu mua sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm làm đẹp, cũng như những loại sản phẩm phục vụ tiêu dùng ngày tết như rượu bia, nước giải khát, bánh kẹo... nếu không tinh ý rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái được gắn nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng.
Rất nhiều thương hiệu lớn đang bị nhái mẫu mã |
Cụ thể, ngay nhiều cửa hàng tại An Đông Plaza (Quận 5), rất dễ để tìm thấy những chiếc túi xách, ví đầm hiệu Chanel, LV, Moscos... với mức giá chỉ vài trăm ngàn. Chủ tiệm không ngần ngại giới thiệu với khách hàng nhiều sản phẩm tự cho là đồ "fake nước 1, nước 2”, nhìn bên ngoài có mẫu mã, màu sắc khá bắt mắt song chất lượng thì thua kém hơn hàng thật rất nhiều, chỉ sử dụng trong thời gian ngắn đã bong tróc, hư hỏng.
Tuy nhiên, thế vẫn còn đỡ hơn rất nhiều khi mua phải mỹ phẩm, thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia rởm. Bởi đây là những sản phẩm dễ gây hại trực tiếp cho sắc đẹp, sức khỏe người dùng; hơn nữa vào dịp Tết, nhiều người thường có thói quen mua mỹ phẩm, đồ dùng hoặc rượu bia, bánh kẹo làm quà biếu người thân, nên nếu không cẩn trọng còn bị mang tiếng oan.
Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc nhận diện sản phẩm an toàn ngày càng trở nên khó khăn, dù cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, người dân cũng cần nói không với hàng giả, hàng nhái, vì như vậy là đang tiếp tay cho kinh doanh trái phép và tự chuốc thiệt hại cho bản thân.
Thực tế, tình trạng này năm nào cũng được các cơ quan chức năng, quản lý thị trường (QLTT) cảnh báo và đưa ra biện pháp ngăn chặn, xử lý mạnh tay, nhưng dường như vấn nạn hàng gian hàng giả cứ vào dịp cuối năm lại bùng phát mạnh hơn như "con bệnh nhờn thuốc".
Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2016, lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 145.000 vụ, phát hiện xử lý gần 88.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 523 tỷ đồng. Cụ thể, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm bị thu giữ gồm mỹ phẩm, rượu ngoại, nước giải khát, bánh kẹo, dầu thực vật, mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn...
Vào những tháng cao điểm, hàng hóa tập trung về nhiều nên không ít cơ sở tư nhân tận dụng cơ hội này để tuồn hàng hóa kém chất lượng, giả thương hiệu nhãn mác vào các điểm bán tiêu thụ.
Riêng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Chi cục QLTT đã tăng cường kiểm tra hàng loạt cửa hàng, điểm bán tại một số chợ, trung tâm thương mại, phát hiện gần 600 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ trên 400.000 đơn vị sản phẩm các mặt hàng đồng hồ đeo tay, túi xách, ví, quần áo, mỹ phẩm, giày dép, bột ngọt…
Tuy nhiên, đại diện Chi cục cũng thừa nhận, dù thường xuyên ra quân kiểm tra, xử phạt các điểm nóng, nhưng vẫn không xuể. Để đảm bảo hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh giáp ranh trong công tác đấu tranh chống vận chuyển hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, ông Trần Giang Khuê, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm, hiện nay hàng giả len lỏi vào đời sống bằng nhiều con đường khác nhau và ngày càng tinh vi. Do đó, vấn đề phòng ngừa, phát hiện và bài trừ ngày càng gian nan hơn.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, ngoài những biện pháp xử phạt, chế tài nghiêm minh, thì bản thân mỗi DN cần tự nâng cao ý thức về quyền sở hữu trí tuệ, tích cực cùng cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm làm giả, làm nhái thương hiệu để bảo vệ chính những "đứa con đẻ" của mình.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, hàng năm nạn buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái làm thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, những vụ việc phát hiện chỉ mới là "phần nổi của băng" so với tình hình thực tế và những thiệt hại trong đời sống xã hội mà người dân phải gánh chịu, và vẫn còn đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ chưa xử lý triệt để được.
Để bảo vệ DN làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng QLTT, công an, hải quan, biên phòng... cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm bắt địa bàn, nhận diện đối tượng để kịp thời phát hiện, xử lý.
Bên cạnh đó, DN cần áp dụng các hình thức truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm, đề xuất để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chống hàng gian, hàng giả. Bản thân mỗi người tiêu dùng cũng cần chung tay góp sức, lên tiếng phát hiện, tố cáo hành vi gian lận, góp phần làm cho thị trường trở nên minh bạch hơn.